Tháo gỡ khó khăn trong phát triển đoàn viên công đoàn
Với việc nắm bắt kịp thời tình hình công nhân lao động và các doanh nghiệp; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động; đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động..., các cấp công đoàn đã thu hút, tập hợp đông đảo người lao động (NLĐ) gia nhập vào tổ chức công đoàn.
Kiên trì vận động
Theo thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, trong 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã phát triển mới 5.220 đoàn viên và thành lập mới 20 công đoàn cơ sở (CĐCS) thuộc doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, nâng tổng số đoàn viên lên 81.400 người, sinh hoạt tại 1.823 CĐCS. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh, trong bối cảnh hiện nay, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS có nhiều khó khăn, con số phát triển này của tỉnh Đắk Lắk là khá cao so với các địa phương khác trên cả nước.
Ra mắt Nghiệp đoàn cơ sở Grap Car Buôn Ma Thuột (thành lập đầu tháng 8/2024). |
Là một trong những đơn vị hoàn thành sớm chỉ tiêu thành lập CĐCS, phát triển đoàn viên trong năm 2024, LĐLĐ TP. Buôn Ma Thuột luôn bám sát cơ sở để vận động doanh nghiệp thành lập CĐCS và NLĐ gia nhập tổ chức công đoàn. Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Trần Thị Thúy Hoa cho biết: “Để mang lại kết quả cao trong việc phát triển đoàn viên, cán bộ công đoàn đã phối hợp với UBND thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về pháp luật lao động gắn với công tác tuyên truyền đến người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, thường xuyên thăm hỏi, tặng quà, chăm lo cho NLĐ ở các doanh nghiệp; trong đó có cả các doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn. Trong quá trình vận động, bên cạnh thông tin những quy định, pháp luật về lao động thì các cán bộ công đoàn đã dẫn chứng cụ thể những lợi ích thiết thực khi NLĐ gia nhập công đoàn. Qua đó, góp phần khảo sát, vận động doanh nghiệp thành lập tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên”.
Với những nỗ lực đó, chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024, LĐLĐ thành phố đã thành lập 4 tổ chức CĐCS, phát triển mới trên 1.700 đoàn viên, vượt chỉ tiêu giao trong năm 2024 (1.500 đoàn viên).
Theo kế hoạch Tổng Liên đoàn giao, năm 2024 LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk phải phát triển đoàn viên tăng thêm 4.900 người, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đoàn viên tăng thêm trên địa bàn tỉnh chỉ mới được 2.534 người (đạt 51,7%). |
Năm 2022, Công đoàn ngành Công Thương chỉ có gần 3.000 đoàn viên, đến nay đã phát triển lên 5.640 đoàn viên; riêng năm 2024, được giao chỉ tiêu phát triển tăng thêm 1.500 đoàn viên, đến nay đã phát triển được 1.400 đoàn viên. Có được kết quả này, ban chấp hành công đoàn ngành đã thành lập ban chỉ đạo phát triển đoàn viên, đi đến từng doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động và phát tờ rơi. Đồng thời, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên để khuyến khích NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn.
Vẫn còn nhiều thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện vẫn có không ít đơn vị, doanh nghiệp né tránh, không tạo điều kiện để NLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh chia sẻ, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ; trong đó chủ yếu là các công ty, doanh nghiệp gia đình sản xuất theo thời vụ, lao động biến đổi thường xuyên nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn. Đặc biệt, một số chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, sự cần thiết phải thành lập tổ chức công đoàn hoặc cố tình né tránh, trì hoãn thành lập. Trong khi đó, NLĐ lại chưa mạnh dạn, chủ động đứng ra thành lập ban vận động để thành lập tổ chức công đoàn.
Bên cạnh đó, một số CĐCS khu vực ngoài nhà nước hoạt động chưa thật sự hiệu quả, chưa thu hút đoàn viên, NLĐ tham gia. Đội ngũ cán bộ CĐCS thường xuyên biến động, kỹ năng, nghiệp vụ còn hạn chế; một số cán bộ chưa nắm chắc các quy định của Luật Lao động, Luật Công đoàn nên khó khăn trong việc tư vấn, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ…
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh và các ban, ngành thăm hỏi đời sống công nhân lao động Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương cho hay, quá trình vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức CĐCS gặp rất nhiều khó khăn, có doanh nghiệp cán bộ công đoàn đi lại nhiều lần nhưng họ vẫn không hợp tác, đáng nói là có doanh nghiệp sẵn sàng trích nộp 2% kinh phí theo quy định nhưng nhất quyết không đồng ý thành lập tổ chức công đoàn. Cũng có doanh nghiệp đã đồng ý thành lập CĐCS, nhưng vài hôm sau lại đổi ý, tìm cách thoái thác...
Thực tế, việc doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, một số đơn vị phải tạm dừng hoạt động... không chỉ tác động đến thu nhập, việc làm của NLĐ mà còn trở thành thách thức trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức CĐCS. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 690 doanh nghiệp thành lập mới, nhưng lại có đến 727 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, điều này tác động không nhỏ đến việc phát triển đoàn viên công đoàn.
Trước những khó khăn đang gặp phải, tại buổi làm việc với LĐLĐ tỉnh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh đã gợi mở các cấp công đoàn phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư để nắm rõ các số liệu doanh nghiệp tăng thêm, lượng công nhân lao động để có phương án tính toán phù hợp. Cùng với đó, cán bộ công đoàn tiếp tục bám sát cơ sở, doanh nghiệp để nắm rõ hơn hoàn cảnh cũng như tâm tư nguyện vọng của NLĐ; hỗ trợ kinh phí ban đầu cho các CĐCS mới thành lập; thực hiện tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt, quan tâm phát triển đoàn viên công đoàn ở các xã, phường, thị trấn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc