Multimedia Đọc Báo in

Nhiều trải nghiệm thú vị qua một hội trại

08:30, 14/11/2024

Hội trại truyền thông nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản (SKSS) cho thanh thiếu niên khuyết tật (TTNKT) thuộc Dự án BodyTalk do Sở GD-ĐT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hòa nhập (RCI) tổ chức mới đây với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản, nắm bắt hạnh phúc tương lai” đã đem đến nhiều trải nghiệm thú vị, bổ ích cho phụ huynh và thanh thiếu niên.

Sân chơi thú vị, bổ ích

Hội trại được tổ chức trong không gian mở tại sân Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh với chuỗi hoạt động phong phú gồm: các tiết mục văn nghệ do học sinh khuyết tật biểu diễn; tọa đàm chia sẻ trải nghiệm và đề xuất của các em là đại sứ của dự án với các bên liên quan là ngành y tế, giáo dục, tổ chức đoàn thể…; tham quan các gian hàng về chủ đề SKSS.

Cụ thể: gian hàng “Tham vấn thông tin” là nơi hỏi đáp, tư vấn thắc mắc liên quan đến SKSS; gian hàng “Triển lãm chuyện to - chuyện nhỏ” (cán bộ y tế chủ trì) là nơi tìm hiểu về các biện pháp tránh thai, dụng cụ vệ sinh cá nhân; gian hàng “Trải nghiệm sáng tạo” là nơi vẽ tranh, tô màu, chụp ảnh, quay video thể hiện quan điểm, góc nhìn về chủ đề SKSS.

Các em tham gia gian hàng "Trải nghiệm sáng tạo" tại hội trại.

Thông qua sự hỗ trợ của phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu, em Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh khiếm thính (16 tuổi) ở TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, đây là lần đầu tiên em được tham gia một hoạt động lớn cùng các bạn khuyết tật như vậy. Em thấy hội trại này bổ ích, ấn tượng nhất là khi được cùng các bạn check-in nhận quà, in dấu vân tay của mình lên bức tranh hình trái tim cùng nhau. Em vinh dự được tham gia tọa đàm ở vị trí khách mời (đại sứ dự án), được lắng nghe, chia sẻ những kiến thức mình học được về SKSS.

 

"Hội trại lần này là một diễn đàn, hoạt động mở nhằm chia sẻ kiến thức, tạo không gian để các bạn gặp gỡ, giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Hy vọng qua hội trại các bạn sẽ học được những kiến thức bổ ích và cảm nhận được sự quan tâm, sẻ chia từ cộng đồng" -Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hòa nhập.

Em Hứa Thị Ánh Ngọc (khuyết tật vận động, 18 tuổi, ở huyện Krông Pắc) rất thích vẽ. Em mong những bức tranh về chủ đề SKSS của em có thể chuyển tải thông điệp đến với nhiều người. Em Ngọc đã viết câu chuyện của mình thành tác phẩm “Nay con gái đã lớn rồi mẹ ạ!” để tham gia Cuộc thi kể chuyện bằng hình ảnh và xuất sắc đoạt giải Nhất. Em Ngọc tâm sự, dự án đã giúp mẹ và em học được cách trao đổi thẳng thắn, thân thiện với nhau. Mẹ đã cùng trò chuyện với em và em gái về sự phát triển của tuổi dậy thì, các biện pháp tránh thai. Đây là những điều thật sự cần khi hai chị em đã bước sang tuổi 18.

Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản

Bà Lê Thị Hà, quản lý dự án của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hòa nhập cho biết, trước khi triển khai thực hiện dự án đơn vị đã phối hợp với Sở GD-ĐT khảo sát về thực trạng chăm sóc SKSS của TTNKT hiện nay; nhu cầu, sự quan tâm về SKSS của người chăm sóc tại các gia đình có con em là TTNKT. Kết quả cho thấy, nhiều phụ huynh chưa thực sự quan tâm đúng mức đến chăm sóc SKSS và quyền về SKSS của các em.

Từ thực trạng đó, dự án tập trung vào các nội dung nâng cao kiến thức, kỹ năng cho TTNKT, phụ huynh; cung cấp kiến thức về SKSS để xóa bỏ những quan niệm hiểu lầm; trang bị kỹ năng trò chuyện, hướng dẫn và giao tiếp với trẻ khuyết tật; hỗ trợ một phần kinh phí để phụ huynh và TTNKT yên tâm lĩnh hội kiến thức... Qua đó, phụ huynh đã hiểu hơn về tâm sinh lý tuổi dậy thì, quyền về SKSS của các em và nhận thấy con em mình cũng có quyền bình đẳng như mọi người, từ đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể để con có thể hòa nhập trọn vẹn và hạnh phúc.

Cán bộ y tế của Dự án BodyTalk hướng dẫn các biện pháp tránh thai tại hội trại.

Chị Nguyễn Vân Anh (huyện Krông Ana) có con bị khiếm thính bộc bạch, khi tham gia hội trại chị thấy con mình tự tin hẳn lên; còn chị hiểu hơn về con mình, nhất là cách sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để giảng giải, trò chuyện cùng con. Chị mong con mình có thể kết hôn và có gia đình nhỏ hạnh phúc.

Dự án BodyTalk do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển hòa nhập triển khai đồng thời tại 3 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Đắk Lắk từ năm 2021 đến nay. Tại Đắk Lắk, dự án triển khai tại các địa phương gồm: huyện Krông Pắc, Krông Ana, Buôn Đôn, TP. Buôn Ma Thuột và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Dự án hướng đến mục tiêu giúp TTNKT nhận thức được nhu cầu và ranh giới cá nhân; đưa ra lựa chọn sáng suốt về cơ thể và cuộc sống của chính các em để có thể tự tin khám phá hình ảnh bản thân và phát triển các mối quan hệ; giúp ba mẹ và con cái hiểu nhau hơn để các em có sự hỗ trợ tốt hơn trong tương lai…

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc