Tự hào những nhà giáo - chiến sĩ
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ khốc liệt, những thầy cô giáo cách mạng ở vùng căn cứ H9 (Krông Bông) cũng chính là những người chiến sĩ.
Gieo chữ giữa khói lửa chiến tranh, mạng sống có lúc “ngàn cân treo sợi tóc” song những nhà giáo – chiến sĩ luôn vững tay bút, chắc tay súng vượt qua mọi gian khổ, hiểm nguy, dốc hết tâm huyết cho sự nghiệp “trồng người”.
Thầy giáo thương binh hai lần bắn trúng máy bay
Thầy Nguyễn Văn Đễ năm nay đã 78 tuổi, hiện sinh sống ở thôn 7, xã Khuê Ngọc Điền (huyện Krông Bông).
Trong kháng chiến, trước khi trở thành giáo viên, từ tháng 2/1965 thầy Đễ là tiểu đội trưởng đội du kích xã. Du kích Nguyễn Văn Đễ nổi tiếng dũng cảm, ngoan cường, mưu trí. Vào ngày 24/4/1966, tổ du kích của ông gồm 3 người tuần tra phát hiện có tiếng máy bay địch từ hướng Eo gió (núi Cư Yang Sin) bay sang do thám, ông đã mưu trí lập trận địa giả bằng cách làm hình người nộm, treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đánh lừa máy bay địch, sau đó tìm nơi phục kích. Khi máy bay địch hạ thấp oanh kích vào trận địa giả, tổ du kích đồng loạt nổ súng, ông Đễ đã bắn cháy chiếc trực thăng HU1A, tiêu diệt 4 tên địch, mở ra phong trào bắn máy bay tầm thấp phát triển rộng khắp vùng căn cứ.
Thầy Nguyễn Văn Đễ kể lại nhừng ngày dạy học trong thời chiến. |
Với chiến công này, du kích Nguyễn Văn Đễ được Bác Hồ gửi tặng một chiếc đài bán dẫn, một khẩu súng AK kèm 6 chữ vàng “Quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ” và được đi dự báo cáo điển hình ở Quân khu…
Khi tham gia cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 vào thị xã Buôn Ma Thuột, trong lúc chiến đấu, ông bị thương với tỷ lệ thương tật 24%.
Điều trị bình phục, ông Đễ được cử đi học lớp sư phạm khóa đầu tiên tại B3, khi học xong, ông được phân công dạy ở hai thôn trong xã. Thầy Đễ nhớ lại: Việc học trong những năm tháng ấy khó khăn lắm. Lớp học là những ngôi nhà lợp tranh, tre, lá, nứa sát hang đá để phòng khi địch bắn phá thì giáo viên, học sinh kịp thời vào nơi ẩn nấp. Gọi là lớp nhưng thực tế là liên lớp, mỗi lớp có 15 học sinh, trình độ từ mẫu giáo đến lớp 3. Mỗi ngày thầy Đễ dạy hai ca, buổi sáng dạy ở thôn 3 và buổi chiều dạy ở thôn 4.
Từ sách giáo khoa cho đến đồ dùng dạy học vô cùng thiếu thốn, sách vở không có đủ, học sinh phải dùng lá chuối để viết, hoặc viết xuống nền đất. Bút thì cũng sáng chế sao cho phù hợp với những loại “vở đặc biệt”: với vở bằng lá chuối tươi thì dùng cây le vót nhọn như mũi bút để viết, còn vở lá chuối khô thì lấy hạt mồng tơi tím giã nước làm mực, nếu viết dưới đất thì dùng than.
Do không có sách giáo khoa nên chủ nhật hằng tuần, thầy Đễ phải về huyện chép tay các bài học trong sách. Vở soạn giáo án cũng phải tái sử dụng, mỗi trang giấy đều được sử dụng bốn lần: lần thứ nhất soạn bằng bút chì, lần thứ hai dùng thuốc đỏ để viết, lần thứ ba dùng bút mực màu xanh hoặc đen để viết, cuối cùng là đem nhúng nước phơi khô cho phai mực rồi dùng viết lần thứ tư. Hằng đêm, ngoài giờ soạn giáo án, các giáo viên như thầy Đễ còn phải đi đến các gia đình kiểm tra nhắc nhở học sinh học bài.
Giáo viên thời ấy không lương bổng, không phụ cấp, mỗi học sinh đóng góp 3 lạng khoai, sắn/tháng song cũng có em không có cả khoai, sắn để đóng học. Vì thế, nhiều hôm dạy xong thầy giáo phải lên rừng đào củ mài ăn thay cơm…
Vừa giảng dạy, thầy cô giáo thời kháng chiến còn phải cầm súng, sẵn sàng chiến đấu trong mọi trường hợp. Tháng 5/1970, trong lúc tổ du kích trực chiến chống càn tại đồi Ông Ngộ (thuộc dãy núi Cư Sênh), phát hiện 2 máy bay trực thăng địch bay ở tầm thấp, thầy Đễ đã dùng khẩu súng AK mà Bác Hồ tặng bắn bị thương một chiếc, chiếc còn lại hộ tống chiếc máy bay bị thương hạ xuống buôn Lum (xã Ea Trul ngày nay). Sau trận đó, địch trả thù dùng máy bay phản lực ném bom oanh tạc toàn vùng căn cứ Khuê Ngọc Điền suốt từ 2 giờ chiều đến tối, nhưng quân và dân ta đã vào hang đá trú ẩn an toàn…
Vững tay bút, chắc tay súng
Thầy Trần Văn Ba (73 tuổi, hiện ở thôn 2, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông) cũng từng là một nhà giáo xuất thân từ… du kích.
Tham gia du kích xã từ năm 1966, đến 1969 thì ông Ba thoát ly vào Huyện ủy H9. Năm 1970 ông được cử đi học lớp sơ cấp sư phạm, khi ra trường được phân công về dạy học ở xã Quảng Cư và xã Vụ Bổn.
Thầy Ba hồi tưởng: Cũng như các xã vùng căn cứ khác, việc dạy và học ở hai xã Quảng Cư và Vụ Bổn vô cùng khó khăn thiếu thốn. Do hai xã này nằm bên kia sông Krông Bông, gần quận lỵ Phước An, địch thường xuyên đánh phá, hằng ngày đi dạy thầy luôn phải mang theo súng bên người. Nhiều hôm đang dạy, nhận tin báo có địch đi càn, thầy phải hướng dẫn cho học sinh kịp thời xuống hầm trú ẩn an toàn, rồi mình cùng đồng đội cầm súng lao ra chiến đấu.
Tuy chỉ có 20 học sinh, nhưng liên lớp học do thầy Ba phụ trách phải chia dạy thành 2 ca, buổi sáng từ lớp 1 đến lớp 3, buổi chiều lớp 4, lớp 5. Mỗi giáo viên được cấp một tập vở và một bút bi, hằng đêm thầy phải xuống hầm đốt lửa soạn giáo án (chủ yếu hai môn Toán và Văn). Đối với môn Toán, thầy thường soạn bài gắn với thực tiễn cuộc sống để học sinh dễ tiếp thu. Với thời gian một buổi dạy cho nhiều lớp, thầy phải phân chia thời gian giảng bài cho từng lớp, đồng thời phân công các em lớp trên kèm cho các em lớp dưới, nhờ thế mà các em nhanh chóng hiểu bài.
Thầy Trần Văn Ba luôn nhớ mãi những ngày dạy học ở vùng căn cứ. |
Ngoài nhiệm vụ dạy học, những giáo viên như thầy Ba còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác. Một trong số đó là được điều động đến H4 nhận lương thực, thực phẩm. Mỗi chuyến cả đi lẫn về là 7 ngày, nhưng chỉ gùi được 50 kg hàng, nhiều lần bị địch phát hiện phải hóa trang tìm nơi ẩn nấp, thậm chí có lần bị chúng đi ngang qua dẫm đạp lên người vẫn phải nằm im chịu đau để bảo đảm bí mật.
Rồi không ít lần thầy tham gia với tổ du kích xã Hòa Lễ phục kích bắn máy bay địch. Thầy Ba còn nhớ vào tháng 4/1971 thầy cùng tổ du kích xã Hòa Lễ phục kích bắn máy bay địch rải chất độc hóa học (ở khu vực thôn 5, 6 xã Hòa Phong ngày nay). Suốt từ 9 giờ sáng đến 12 giờ đêm, tổ du kích phải úp mặt xuống những ngôi mộ ở nghĩa địa gần bờ sông Krông Bông, chờ khi máy bay lên cao, nhảy xuống sông rửa mặt rồi mới lên phục kích tiếp chờ thời cơ, lần đó thầy và đồng đội bắn bị thương một máy bay địch…
Với những thành tích trong kháng chiến, những thầy giáo – chiến sĩ Nguyễn Văn Đễ, Trần Văn Ba đã được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, hạng Nhất; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, cùng nhiều huân huy chương và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước.
Và phần thưởng lớn nhất với những nhà giáo – chiến sĩ ấy chính là nhiều thế hệ học sinh vùng căn cứ, dù học tập trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn là vậy song vẫn trưởng thành, nhiều người sau này giữ nhiều trọng trách lãnh đạo trong quân đội và các cơ quan ban ngành từ cơ sở đến tỉnh, có nhiều cống hiến cho đất nước…
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc