Multimedia Đọc Báo in

Ký ức dinh điền

07:37, 06/04/2025

Dưới danh nghĩa đưa dân đi “xây dựng kinh tế”, những năm 1959 - 1960, Mỹ - ngụy đã đưa hàng nghìn gia đình ở các tỉnh đồng bằng miền Trung lên Đắk Lắk, lập nên các dinh điền với mưu đồ xây dựng những căn cứ hậu cần chống phá cách mạng.

Thế nhưng, chính từ những dinh điền ấy, phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do đã bùng lên mạnh mẽ, trở thành hậu cứ vững chắc cho cuộc trường kỳ kháng chiến của quân và dân ta.

Những cuộc cưỡng ép di dân

Nhà trưng bày Di tích Lịch sử - Văn hóa Đồn điền CADA (huyện Krông Pắc) lưu giữ bản sao một lá đơn viết năm 1958 của Tổng ủy Dinh điền gửi đại biểu Chính phủ Việt Nam Cộng hòa tại Huế với nội dung vận động và di chuyển đồng bào các tỉnh “trung nguyên trung phần” lên lập nghiệp ở “cao nguyên trung phần” (gồm Đắk Lắk và Pleiku – theo nguyên văn).

Đơn nêu điều kiện của người “tình nguyện di dân” là mỗi gia đình có ít nhất hai người làm việc, biết làm nông, có sức lao động. Mỗi gia đình di dân sẽ được bố trí phương tiện di chuyển, được giúp đỡ để có nhà ở, được cấp tiền ăn, cấp đất, hạt giống, nông cụ…; lập 4 “trạm tiếp đón” ở Đà Nẵng, Quy Nhơn, Ninh Hòa, Pleiku để trung chuyển, đưa người đi các vùng cần khai phá. Nhưng thực tế, trong ký ức của những người di dân ngày ấy, chính quyền ngụy đã thô bạo cưỡng ép các gia đình phải rời bỏ quê hương bản quán theo đúng nghĩa bị “xúc” đi.

Ông Phạm Văn Thực (ngồi giữa) kể về phong trào đấu tranh của nhân dân các dinh điền.

Ông Phạm Văn Thực (xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) kể, gia đình ông là một trong số khoảng 50 gia đình ở Quế Sơn – Quảng Nam bị “xúc” đi ngay đợt đầu vào năm 1959. Các gia đình bị đưa lên tàu lửa đến ga Ninh Hòa, rồi được chở đến khu vực Km 52 trên Đường 21 (Quốc lộ 26 ngày nay). Giữa chốn lạ nước lạ cái, các gia đình dắt díu nhau đi bộ hàng chục cây số nữa mới tới dinh điền Quảng Cư (khu vực xã Ea Ô, huyện Ea Kar ngày nay). Bà con rủ nhau chặt tre, nứa làm nhà, chắt chiu trồng lúa, sắn, bắp, đậu để có cái ăn. Nhưng nhiệm vụ chính của bà con là phải trồng cà phê, cao su và cả làm nhà cho các hộ đến sau. Có đợt, đang mùa lúa chín rộ nhưng bọn chúng vẫn bắt phải đi chặt tre, nứa dựng nhà để đón đợt di dân mới. Bà con không tuân theo, chúng châm lửa đốt sạch những cánh đồng lúa đang chờ thu hoạch. Không chỉ thiếu ăn, người dân ở các dinh điền trải qua không biết bao nhiêu trận sốt rét, dịch tả, thương hàn. Ông Thực nhớ nhất là đợt dịch tả năm 1964, hơn 200 nóc nhà ở Quảng Cư, nhà nào cũng có người chết vì dịch tả.

Trước khi bị cưỡng ép lên Đắk Lắk, gia đình ông Lương Văn Như (nguyên Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, hiện trú tại thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) từng bị đưa từ Quảng Nam đi Long An vào năm 1959. Trải qua một mùa lũ lụt, bà con không thích nghi được, dắt díu nhau trở về quê. Cuối năm 1960, làng của ông Như lại tiếp tục bị chính quyền ngụy đưa đến dinh điền Thăng Quý (khu vực xã Cư Ni, huyện Ea Kar ngày nay). Ông Như cho biết, chúng vây bà con theo kiểu “ấp chiến lược”. Ngày thì ra rừng khai hoang, đào hố trồng cao su theo chỉ tiêu chúng giao, đêm thì trở về khu vực bên trong vòng kìm tỏa của kẽm gai, chông tre cùng sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng bảo an, tề ngụy.

“Vành đai thép” cho vùng căn cứ cách mạng

Dù chính quyền ngụy kiểm soát các dinh điền rất gắt gao nhưng chúng không ngờ rằng ở chính nơi chúng “ly khai” người dân với cộng sản, thì các đội công tác của ta vẫn bí mật móc nối liên lạc, vận động quần chúng. Từ đây, phong trào đấu tranh giải phóng các dinh điền đã nhen nhóm và nhanh chóng phát triển. Năm 1965, Quảng Cư, Thăng Quý, Vụ Bổn là những dinh điền đầu tiên trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được giải phóng.

Theo lời kể của ông Lương Văn Như, phong trào đấu tranh của nhân dân lúc ấy vô cùng mạnh mẽ khiến địch phải khiếp sợ, rút chạy khỏi các dinh điền. Đây là cơ sở quan trọng để Tỉnh ủy Đắk Lắk lập các huyện H8, H9, tạo bước chuyển biến mới cho công tác lãnh đạo phong trào đấu tranh. Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau giải phóng, địch điên cuồng bố ráp, càn quét hòng giành dân, giành đất. Chúng thả bom napalm, chất độc hóa học rồi nã đạn pháo từ các điểm cao xuống dinh điền, đốt phá hết nhà cửa, ruộng vườn. Trong trận càn của địch năm 1972, cha của ông Như bị địch bắn chết khi đang ngủ trên võng rồi ném thi thể vào trong căn nhà rực lửa. Ngoài cha ông Như còn có 4 người khác cũng bị chúng thảm sát như thế chỉ trong một trận càn…

Học sinh tìm hiểu phong trào đấu tranh cách mạng tại Di tích Lịch sử - Văn hóa Đồn điền CADA.

Ký ức của ông Phạm Văn Thực cũng chất đầy những hình ảnh bi thương về tội ác của địch. Đốt nhà, giết cả người già, trẻ em, phụ nữ mang thai, chúng điên cuồng tìm mọi cách đè bẹp ý chí của người dân. Chúng còn liên tục dùng trực thăng gọi loa, dụ dỗ bà con bỏ cách mạng.

Ông Thực cho biết, có năm, chúng đốt nhà đến 4 - 5 lần. Hoa màu chưa kịp thu, chúng cũng đốt phá sạch, rải chất độc hóa học. Bà con cả năm không biết đến hạt muối, không thấy được hạt gạo, ai cũng xanh xao, vàng vọt. Thế nhưng, ý chí chiến đấu của người dân dinh điền vô cùng bền bỉ. Lớp thanh niên thì xung phong đi bộ đội, tham gia các đội công tác, thiếu niên thì làm giao liên.

Những ai bám trụ lại thì vừa tham gia du kích chống càn vừa làm dân công, xây dựng lại đời sống. Chúng đốt làng này, ta lại rút đi dựng làng ở nơi khác. Chúng phá hết hoa màu, lương thực ta lại bám vào rừng, sống nhờ hạt dẻ, củ mài, quả gắm… Trong hoàn cảnh gian lao, đói khổ, bà con Quảng Cư, Thăng Tiến, Vụ Bổn vẫn kiên cường bám trụ, đấu tranh, bám rừng, bám suối không cho địch lấn sâu vào vùng giải phóng, làm hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, người dân Quảng Cư, Thăng Tiến, Vụ Bổn đa số ổn định đời sống tại xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc) đã đoàn kết, đồng lòng cùng đồng bào các dân tộc nơi đây lập nên những kỳ tích mới trong phong trào khai hoang, phục hóa, phát triển sản xuất. Năm 2001, xã Ea Kuăng đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc