Chuyện tình đẹp của người lính tàu không số
Không một lá thư, không một dòng địa chỉ, họ yêu nhau trong biền biệt cách xa, để rồi sau 15 năm đợi chờ, tình yêu ấy nở hoa trong ngày toàn thắng.
Đó là câu chuyện tình đẹp của Đại úy Nguyễn Sơn – Thuyền trưởng đầu tiên của đoàn tàu không số và nữ y sĩ Nguyễn Thị Phương ở đơn vị 555, Khu căn cứ Minh Đạm, huyện Long Đất (nay là huyện Đất Đỏ), tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chiến trường vẫy gọi
Trong căn nhà Nghĩa tình do Lữ đoàn 125 xây tặng, ông Nguyễn Sơn bắt đầu câu chuyện bằng ký ức ngày đầu rời quê hương vượt biển ra Bắc với lòng yêu nước vô hạn.
Nhận được mệnh lệnh của đơn vị 555, năm 1962 ông Sơn cùng 5 chiến sĩ thuộc diện Quân giải phóng miền Đông Nam Bộ là Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh, Võ An Ninh, Lê Hà bí mật xuống thuyền vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam.
![]() |
Ông Nguyễn Sơn và ông Lê Hà – người đồng đội cùng trên đoàn tàu không số của miền Đông Nam bộ thuở ấy. |
Đêm trước ngày vượt biển, ông Sơn - lúc đó tên Nguyễn Văn Chiến - xin đơn vị về nhà gặp cô thôn nữ Nguyễn Thị Phương nói lời tạm biệt. Dưới tán lá tràm bên Vàm Láng, họ ngồi bên nhau cho tim mình thao thức. Tựa đầu vào vai áo người yêu, Phương động viên: “Chiến trường đang vẫy gọi, anh cứ đi, em đợi em chờ”.
Sớm ngày 17/2/1962, chiến sĩ Nguyễn Văn Chiến và 5 đồng đội bí mật xuống thuyền vượt biển ra Bắc.
Để tiếp bước người yêu chiến đấu, Phương đã làm đơn tình nguyện tòng quân nhập ngũ vào đơn vị 555 và được má Mười Rìu nhận làm con nuôi rồi cho đi học y tá. Sau đó cô về công tác ở đơn vị 1500, rồi đơn vị K-76A (Quân khu 7) với nhiệm vụ cứu chữa thương binh vùng ngoại tuyến.
Nước mắt ngày tái ngộ
Chuyến tàu mang bí số “56” của đoàn tàu không số chở vũ khí bí mật vượt biển vào cảng Vũng Tàu ngày 29/4/1975, lúc 9 giờ sáng. Từ loa phát thanh, tiếng cô phát thanh viên dõng dạc: “Tỉnh lỵ Vũng Tàu Côn Đảo đã được giải phóng hoàn toàn”. Ông Nguyễn Sơn ôm chầm lấy đồng đội mà khóc.
Trong đám đông những người có mặt ở cảng Vũng Tàu đón chiến sĩ đoàn tàu không số trở về sáng ấy có cô chiến sĩ đội mũ tai bèo giải phóng, quàng khăn rằn, tay cầm bó hoa súng ngóng đợi.
Họ nhận ra nhau. Giọt nước mắt vỡ òa sau 15 năm tái ngộ. “Chiến tranh kết thúc rồi đúng không anh. Quê hương, các má, các dì đang chờ đón anh về”, Phương nép đầu vào ngực Sơn thổn thức.
![]() |
Tấm huy chương “đoàn tàu không số” luôn được ông Sơn coi như báu vật. |
Tình yêu trong chiến tranh, sự đợi chờ suốt 15 năm biền biệt không một lá thư, không một dòng địa chỉ, là bằng chứng cho sự hy sinh thầm lặng vì Tổ quốc của những người lính đoàn tàu không số. Điều thiêng liêng hơn là họ đã chờ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, hạnh phúc của người lính nở hoa ngày Tổ quốc trọn niềm vui. Ngày họ làm đám cưới, người dân làng chài Phước Hải từ ấp trên xuống hẻm dưới rộn ràng như ngày hội. Chú rể - cô dâu trong quân phục giải phóng.
Một tuần sau ngày cưới, ông Sơn tạm biệt vợ rồi tiếp tục đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Hai lần bà Phương sinh con thì ông đều ở chiến trường. Từ năm 1976 đến 1991, ông Sơn trải qua nhiều chức vụ khác nhau và chiến đấu khắp chiến trường Campuchia, chiến trường biên giới Tây Nam. Năm 1992, ông được nghỉ chế độ hưu trí với cấp hàm đại úy. Căn nhà cấp 4 hiện ông và con gái thứ hai đang ở là do Lữ đoàn 125 Hải quân xây tặng. Với vai trò là bí thư chi bộ ấp, chủ tịch hội cựu chiến binh, phó bí thư chi bộ khu phố, tổ trưởng khu dân cư, ông Sơn không lúc nào ngơi việc. Ở đâu ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó, đơn vị tín nhiệm, đồng đội khâm phục mến yêu. Ông bảo: “Nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc. Còn sức còn đóng góp cho xã hội. Bây giờ nếu còn giặc, tôi vẫn đi chiến đấu”.
Tuấn Cường
Ý kiến bạn đọc