Tiếp bước cho phụ nữ khởi nghiệp
Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025" (Đề án 939) được thực hiện đã giúp nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Krông Bông từng bước tự chủ kinh tế, ổn định đời sống.
Huyện Krông Bông là địa phương vùng sâu, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Do vậy, để Đề án 939 phát huy hiệu quả, từng bước thay đổi nhận thức của hội viên, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn đã vận dụng linh hoạt nhiều biện pháp, cách thức tuyên truyền nội dung đề án.
Trong đó, chú trọng hoạt động truyền thông trực tiếp thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ, nhóm đến hội viên, phụ nữ; in ấn tờ rơi, đăng tải video tuyên truyền nội dung khởi nghiệp trên mạng xã hội…
Đồng thời, tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, hội thảo nâng cao năng lực cho phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như: kỹ năng kinh doanh số; kinh doanh online; kiến thức cơ bản về ý tưởng kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh; hướng dẫn khởi nghiệp; cách thức tiếp cận, sử dụng nguồn vốn vay... góp phần chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, khơi dậy tinh thần sáng tạo, phát triển ý tưởng sản xuất, kinh doanh, thu hút các chị em ở mọi lứa tuổi, ngành nghề tham gia.
![]() |
Phụ nữ huyện Krông Bông tham gia trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. |
Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Bông luôn bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 939 và huy động các nguồn lực ở địa phương để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Hội phụ nữ cơ sở cũng thường xuyên làm tốt công tác nắm tình hình, nhu cầu, nguyện vọng của phụ nữ để giúp đỡ, tư vấn nhằm hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.
Thời gian qua, các cấp hội đã vận động nguồn lực hỗ trợ được 186 phụ nữ (chủ yếu là phụ nữ nghèo, người dân tộc thiểu số) vay vốn khởi nghiệp, với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng. Ngoài ra, Hội LHPN huyện còn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông thực hiện hoạt động ủy thác cho vay với dư nợ hơn 180 tỷ đồng, có 4.000 hộ gia đình hội viên được vay vốn, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Đơn cử như gia đình chị Huỳnh Thị Loan (thôn 3, xã Cư Kty) trước đây có ít đất sản xuất nhưng trồng trọt lại không hiệu quả nên thu nhập bấp bênh.
Năm 2022, được Hội LHPN huyện hỗ trợ, gia đình chị được vay 80 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế. Có kiến thức chăn nuôi, chị đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi 3 con bò đực lai nhốt chuồng để bán bò thịt; đồng thời làm thêm nghề tráng bánh thủ công tại nhà. Thời gian rảnh, chị còn nhận làm các đơn hàng may bao tay gia công. Mỗi năm thu nhập từ chăn nuôi, sản xuất mang lại cho gia đình chị nguồn thu trên 100 triệu đồng.
Năm 2024, chị đã tiết kiệm và trả được nguồn vốn vay cho ngân hàng. "Được sự động viên, hỗ trợ của chị em, gia đình có thêm động lực, vượt qua rào cản tâm lý e ngại để mạnh dạn, chăm chỉ sản xuất. Mô hình sản xuất tuy còn nhỏ nhưng đã giúp gia đình có thu nhập ổn định hơn trước, có điều kiện để chăm lo cho 4 người con ăn học", chị Loan chia sẻ.
![]() |
Gia đình chị H’Bái Byă (buôn Cư Nul A, xã Dang Kang) có thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi heo. |
Sau khi tham gia các lớp tập huấn, nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, được Hội LHPN huyện Krông Bông hỗ trợ 5 triệu đồng từ vốn khởi nghiệp, gia đình chị H’Bái Byă (buôn Cư Nul A, xã Dang Kang) đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi heo. Gia đình chị nuôi từ 5 – 10 con heo (tùy thời điểm) để bán heo thịt và 4 con heo rừng lai bán con giống cho người dân. Việc chăn nuôi mang lại thu nhập cho gia đình trung bình khoảng 50 – 60 triệu đồng/năm.
Chị H’Bái cho hay, có kiến thức, kinh nghiệm nên việc chăn nuôi cũng thuận lợi. Gia đình chỉ tranh thủ thời gian rảnh để chăm sóc, không tốn nhiều thời gian, công sức. Đây cũng coi như nguồn vốn tiết kiệm hằng năm của gia đình để có thêm điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc