Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong mùa dịch
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị ảnh hưởng và gặp nguy hiểm bởi sức đề kháng yếu, nhất là những người có bệnh nền. Do vậy, việc chăm sóc tại nhà đóng vai trò quan trọng giúp người cao tuổi giữ được tinh thần lạc quan, có một cơ thể khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Ở người cao tuổi, hệ thống miễn dịch yếu nên dễ mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, xương khớp. Nhất là vào thời điểm trời nắng nóng, người cao tuổi ra mồ hôi nhiều song lại có xu hướng ít uống nước, trong khi ở độ tuổi càng lớn càng cần uống nước, ăn trái cây có chứa nhiều khoáng chất, vitamin. Bên cạnh đó, việc thay đổi môi trường đột ngột khiến người cao tuổi dễ mắc các bệnh viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, hoặc các đợt cấp của những bệnh nặng như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, đau đầu chóng mặt, thậm chí đột quỵ…
Các số liệu nghiên cứu cho thấy người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn. Ở Trung Quốc, tỷ lệ tử vong lên tới 19% ở bệnh nhân từ 70 tuổi trở lên; 10,5% ở người có mắc bệnh tim mạch; 7,3% ở người mắc đái tháo đường; 6,3% ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính; 6% ở người tăng huyết áp và 5,6% ở bệnh nhân ung thư. Tại Việt Nam, có 17/245 trường hợp bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tử vong đều là người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền mãn tính.
Chăm sóc bệnh nhân cao tuổi tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Ảnh: Đình Thi |
Theo bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Phòng Kế hoạch nghiệp vụ, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, ở người cao tuổi xuất hiện sự lão hóa tại các bộ phận cơ thể, từ hệ xương khớp đến tim, phổi, hệ thống mạch máu... Hơn nữa người cao tuổi thường có các bệnh mãn tính kèm theo như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh hen, phổi tắc nghẽn mãn tính... nên sức đề kháng giảm so với các nhóm tuổi khác, làm tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các bệnh lý đường hô hấp. Do đó việc phòng ngừa là giải pháp hàng đầu để đối phó với bệnh COVID-19 cũng như các bệnh truyền nhiễm khác.
Để giảm nguy cơ lây nhiễm vi rút, người cao tuổi, người mắc các bệnh suy thận mạn, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư cần tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo của Bộ Y tế như: Tuyệt đối tránh đến những nơi đông người và tiếp xúc với những nguồn có nguy cơ lây nhiễm; rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi ăn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với nhiều người; khi ho hoặc hắt hơi, hãy che kín mũi, miệng bằng khăn tay, khăn giấy, khẩu trang hoặc khuỷu tay; tránh sờ tay chưa được rửa sạch lên mặt, mũi, miệng vì sẽ khiến vi rút có cơ hội xâm nhập vào cơ thể; đeo khẩu trang đúng cách khi ra khỏi nhà, không sờ lên mặt ngoài khẩu trang và không nên dùng một chiếc khẩu trang nhiều lần; khẩu trang vải cần giặt sạch và phơi khô sau mỗi lần sử dụng. Ngoài ra, người cao tuổi cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như: phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa…
Sức khỏe tinh thần rất quan trọng, thay vì hoang mang lo lắng trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, người cao tuổi hãy giữ vững tâm lý bình tĩnh, tuân thủ các hướng dẫn phòng bệnh, áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý và chăm chỉ luyện tập thể dục.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc