Multimedia Đọc Báo in

Chuyện những người đi truy vết

06:46, 19/09/2021

Để dịch bệnh COVID-19 không lan rộng trong cộng đồng, việc truy vết, khoanh vùng, cách ly các đối tượng F1, F2 đóng vai trò quan trọng để triển khai các biện pháp khoanh vùng, dập dịch. Việc truy vết nhanh, chính xác có sự góp sức rất lớn của các cán bộ y tế.

Địa bàn rộng, nhiều huyện vùng sâu, vùng xa… là những yếu tố khiến việc truy vết dịch bệnh trên địa bàn tỉnh luôn gặp khó khăn. Đây là thời điểm các cán bộ, nhân viên trong đội truy vết các trường hợp liên quan đến ca bệnh COVID-19 vất vả hơn bao giờ hết, với những lần truy vết xuyên đêm, vượt qua vất vả, nguy hiểm và cả những nỗi niềm riêng để xung kích trên tuyến đầu.

Kết thúc một ngày làm việc tại cơ quan, chưa kịp nghỉ ngơi, bác sĩ Trần Kim Long, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) và đồng nghiệp lại nhận được tin báo ở buôn Kwang, xã Cư Bao (TX. Buôn Hồ) ghi nhận các trường hợp liên quan đến ca bệnh dương tính. Bác sĩ Trần Kim Long và đồng nghiệp lập tức lên đường tham gia truy vết. Đêm đã khuya, cơm tối vẫn chưa kịp ăn, các cán bộ y tế tham gia truy vết phòng, chống dịch trong bộ đồ bảo hộ kín mít vẫn miệt mài với công việc của mình. Ngay trong đêm, họ đã kịp thời khoanh vùng, truy vết được tất cả các trường hợp F1, F2 có liên quan và phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Khi trời chuyển về sáng họ mới xong công việc của mình. Cởi bỏ bộ đồ bảo hộ, mồ hôi ướt đẫm, tranh thủ trên đường về mỗi người một chỗ ngả lưng chợp mắt để lấy sức tiếp tục công việc ngày mới.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tại buôn Kwang A, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ. Ảnh: Quang Nhật

Nhận được thông tin tại phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại cộng đồng, các cán bộ y tế Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột ngay lập tức tổ chức khoanh vùng, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm hơn 100 hộ dân. Liên tục làm việc không ngừng nghỉ từ khi trời chưa tắt nắng đến nửa đêm, với hàng trăm mẫu xét nghiệm và nhiều trường hợp F1 được đưa đi cách ly tập trung, công việc của các cán bộ y tế chỉ kết thúc khi mọi người đã say giấc. Bất kể nắng mưa, địa bàn lấy mẫu truy vết ở thành phố hay các xã, huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới đường sá đi lại khó khăn… với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các lực lượng nơi tuyến đầu vẫn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành công việc của mình để dịch bệnh không lây lan rộng trong cộng đồng.

Bác sĩ Trần Kim Long chia sẻ: Ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, CDC đã thành lập đội phòng, chống dịch cơ động phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tiến hành công việc truy vết. “Bất kể ngày đêm khi có các vấn đề liên quan đến COVID-19, chúng tôi đều lập tức lên đường, làm sao để trong thời gian sớm nhất hoàn thành nhiệm vụ truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan yếu tố dịch tễ phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trong công việc, chúng tôi gặp không ít khó khăn như: công dân khai báo y tế chưa chính xác; có những trường hợp sau khi chúng tôi liên hệ được lần đầu, tới lần thứ hai gọi lại họ khóa luôn máy khiến công tác truy vết, theo dõi các trường hợp F1 gặp rất nhiều khó khăn”, bác sĩ Long trải lòng.

Bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Để dịch bệnh COVID-19 được khống chế và đẩy lùi, việc truy vết nhanh, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng cách ly kịp thời là rất quan trọng. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các đội truy vết, đặc biệt là lực lượng y tế, công an, dân phòng, các địa phương có ghi nhận ca bệnh, sau khi nhận thông tin từ CDC là các đội truy vết rất khẩn trương, không kể ngày đêm để có thể tìm nhanh các trường hợp F1 tiến hành xét nghiệm, giúp lực lượng chức năng có cơ sở để đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời, làm giảm mức độ lây nhiễm bệnh trong cộng đồng”.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.