Cần can thiệp và điều trị sớm trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính
Tỷ lệ suy dinh dưỡng cấp tính của trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam chiếm từ 19,6% đến dưới 20%, tương đương với hơn 230.000 trẻ em dưới 5 tuổi thiếu dinh dưỡng cấp tính nặng mỗi năm.
Những “con số biết nói” này cho thấy thực trạng số trẻ em phải chịu hậu quả từ chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, không đáp ứng đủ và đúng nhu cầu đang rất báo động.
Bé Lê Diệu Linh (ở phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) năm nay 2,5 tuổi song cân nặng chỉ có 9 kg và nhỏ hơn rất nhiều so với những đứa trẻ cùng độ tuổi.
Bà Nguyễn Thị Bính, bà ngoại bé Linh cho biết, từ khi sinh ra đến khi được 5 tháng tuổi, Linh khá bụ bẫm, ăn ngon, ngủ ngon. Đến khi được gần một tuổi, cháu hay bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp và đường tiêu hóa, như: viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy, viêm đường ruột… dẫn đến phải sử dụng nhiều kháng sinh. Từ đó, cháu biếng ăn và còi cọc hẳn, uống bao nhiêu thuốc hỗ trợ biếng ăn song tình trạng vẫn không cải thiện. Bản thân bà Bình cũng không biết tình trạng nghiêm trọng của cháu mình cho đến khi đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán bé Linh bị suy dinh dưỡng cấp tính, nếu không điều trị sớm có thể gây ra các vấn đề phát triển lâu dài của bé.
Bà Bình cho hay: “Từ ngày đưa cháu đi khám dinh dưỡng ở Bệnh viện Nhi Đồng, TP. Hồ Chí Minh, được chẩn đoán đúng bệnh và tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, cháu ăn uống ngon hơn, ngủ được, không quấy khóc khi về đêm và đặc biệt cân nặng có cải thiện, cháu đã tăng từ 9 kg lên 10,5 kg. Mặc dù vẫn chưa đạt ở mức trung bình nhưng như vậy vẫn tốt hơn rất nhiều so với thời điểm chưa có sự can thiệp từ bác sĩ chuyên khoa”.
Cha mẹ cần khuyến khích trẻ vận động nhẹ nhàng để giúp cơ thể trẻ được tiêu thụ và chuyển hóa thức ăn một cách dễ dàng. |
Theo bác sĩ Vi Thị Huệ, Phó Trưởng Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), để chẩn đoán trẻ có bị suy dinh dưỡng cấp tính hay không cần dựa vào chu vi vòng cánh tay và đo chiều cao, cân nặng bởi các biểu hiện lâm sàng thường khó nhận biết. Nếu trong hai yếu tố tức chu vi vòng cánh tay và cân nặng thấp hơn so với ngưỡng thì được chẩn đoán trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Bác sĩ Vi Thị Huệ giải thích, suy dinh dưỡng cấp tính tức là trẻ bị suy dinh dưỡng xảy ra trong thời gian ngắn. Suy dinh dưỡng cấp tính có 3 thể: suy dinh dưỡng thể phù, suy dinh dưỡng thể còi cọc và suy dinh dưỡng thể phối hợp. Suy dinh dưỡng thể phù là do cung cấp thiếu protid. Dấu hiệu nhận biết gồm: Phù bắt đầu từ hai chi dưới, sau đó phù toàn thân; phù trắng mềm, ấn lõm; rối loạn tiêu hóa hoặc bị viêm phổi; dựa vào chu vi vòng cánh tay hoặc cân nặng theo chiều cao có thể bình thường; chi, bẹn, mông thường nổi nốt đỏ trên da sau đó chuyển sang thâm đen và bong ra, dễ nhiễm trùng gây loang lổ. Suy dinh dưỡng thể còi cọc là do cung cấp thiếu năng lượng.
Dấu hiệu nhận biết gồm: Trẻ không có lớp mỡ dưới da mặt, chi, mông nên trẻ còi cọc, mắt trũng; da khô, nhăn nheo; có cảm giác thèm ăn hoặc không; trẻ trở nên ủ rũ, ít linh động, quấy khóc; huyết sắc tố giảm; hematocrit, protein máu giảm; đường máu và điện giải đồ thay đổi... Suy dinh dưỡng thể phối hợp là dạng kết hợp giữa suy dinh dưỡng thể còi cọc và thể phù, nguyên nhân là do trẻ bị thiếu năng lượng và thiếu protid. Dấu hiệu nhận biết: Cân nặng của bé giảm xuống dưới 60% trọng lượng của trẻ bình thường; trẻ bị phù, nhưng cơ thể gầy đét, má hóp nhưng lại phù ở mu bàn chân và có thể có mảng sắc tố; trẻ còn bị kém ăn, hay bị rối loạn tiêu hóa.
Suy dinh dưỡng cấp tính nếu không can thiệp, điều trị và bổ sung năng lượng hợp lý, để suy dinh dưỡng cấp tính chuyển nặng thì hệ miễn dịch của trẻ sẽ giảm, gây những bệnh nhiễm trùng xâm nhập, ví dụ như: bệnh lao, viêm đường hô hấp… kèm theo các bệnh lý, như teo tuyến ức, lách hoặc các tổ chức liên khô bào khác. Khi biến chứng xảy ra thì chức năng gan của trẻ cũng bị thoái hóa, tế bào tuyến tụy, niêm mạc cũng bị teo, gây tổn thương nhung mao ruột gần như hoàn toàn, sẽ giảm hấp thu dinh dưỡng… từ đó lại càng suy dinh dưỡng nặng hơn.
Thông qua việc khám dinh dưỡng, thực hiện xét nghiệm, phân tích vi chất và thăm khám lâm sàng… bác sĩ sẽ kết luận chính xác nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp.
Khi thấy trẻ biếng ăn, thường xuyên bỏ bữa, cơ thể gầy còm hoặc chậm phát triển chiều cao hơn các bạn đồng lứa, kém hoạt động, nước da xanh xao hoặc vàng, mắt không được tinh anh, trẻ thường bị chướng bụng, phù ở mắt cá chân, da ít đàn hồi… hoặc khi nghi ngờ bất cứ dấu hiệu nào, cha mẹ nên đưa trẻ tới thăm khám kịp thời. |
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc