Multimedia Đọc Báo in

Để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

07:04, 21/12/2021

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/5/2013. Luật quy định các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và các điều kiện đảm bảo để PCTHTL.

Đồng thời quy định cụ thể nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn, đó là các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em, khu vực có nguy cơ cháy nổ cao, phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy việc thực thi Luật PCTHTL còn nhiều hạn chế, bất cập.

Luật chưa thực sự đi vào cuộc sống

Theo quy định của Luật PCTHTL, những người hút thuốc lá ở nơi công cộng, cơ sở y tế sẽ bị phạt từ 200.000 - 500.000 đồng và phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Luật cũng quy định không được bán thuốc lá phía ngoài cổng trường học, bệnh viện… trong phạm vi 100 m. Công dân có quyền yêu cầu không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút. Mỗi người cũng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan thẩm quyền xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá. Luật cũng quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với chủ cơ sở không treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá, không yêu cầu người vi phạm chấm dứt việc hút thuốc lá trong cơ sở của mình.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức hoạt động truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá tại cơ sở y tế.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều quy định Luật PCTHTL chưa được thực hiện trong thực tế. Tại các bệnh viện, trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng… vẫn có nhiều người hút thuốc nhưng không được nhắc nhở, xử lý. Ý thức của người hút thuốc lá chưa có chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại các địa điểm công cộng, như: bến xe, nhà chờ xe buýt, bệnh viện… Các hành vi vận chuyển, mua bán thuốc lá lậu vẫn diễn ra rất phức tạp, nhất là tại các khu vực biên giới, cửa khẩu đang có chiều hướng gia tăng. Một số quy định của Luật PCTHTL thiếu tính khả thi bởi khó áp dụng chế tài xử phạt, do hành vi hút thuốc lá thường diễn ra rất nhanh và người vi phạm khắc phục hành vi đó ngay lập tức, tang vật vi phạm là điếu thuốc, bao thuốc lá thường không có giá trị nên khó có thể bảo đảm việc ra quyết định và thi hành quyết định xử phạt vi phạm.

Trong các cơ quan, công sở lại càng khó xử lý hành vi hút thuốc lá vì tính cả nể, không kiên quyết… Chị T.N.L. (TP. Buôn Ma Thuột), cán bộ một cơ quan nhà nước chia sẻ: “Ở cơ quan tôi có vài người nghiện thuốc lá nặng. Mặc dù đã nhiều lần nhắc nhở nhưng tình trạng hút thuốc lá nơi công sở vẫn diễn ra. Tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng cũng chưa có cách giải quyết, bởi sự cả nể, cơ quan chưa có chế tài xử phạt hoặc đưa vào xét tiêu chí thi đua”.

Tăng cường thực thi nghiêm Luật PCTHTL 

Để bảo đảm Luật PCTHTL được thực thi nghiêm túc, phát huy hiệu quả trong cuộc sống, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Theo đó, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật PCTHTL và các văn bản hướng dẫn thi hành một cách nghiêm túc và triển khai sâu rộng đến toàn thể nhân dân với những hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; chú trọng thông tin về tác hại của thuốc lá gây ra nhằm tạo sự chuyển biến ý thức của người dân trong việc PCTHTL. Cùng với đó, cần nghiêm cấm triệt để việc hút thuốc lá tại các cơ quan nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị cần kiên quyết áp dụng các biện pháp xử lý như: không xét thi đua khen thưởng cuối năm hoặc xử lý kỷ luật. Ngoài việc quy định quyền và trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá theo Luật PCTHTL, cần bổ sung việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc nếu để xảy ra vi phạm.

Bên cạnh đó, xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCTHTL có tính khả thi, theo hướng chú trọng xử lý vi phạm của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá; các cơ sở phân phối thuốc lá; xử lý vi phạm đối với người đứng đầu, người quản lý địa điểm cấm hút thuốc lá khi để xảy ra vi phạm trong cơ quan, đơn vị… Xây dựng lực lượng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính các hành vi vi phạm Luật. Chú trọng kiểm soát và kiên quyết xử phạt hành vi vi phạm quảng cáo, không chấp hành quy định in ấn trên bao bì sản phẩm thuốc lá; hạn chế nhập khẩu thuốc lá, đặc biệt là ngăn chặn các hành vi buôn lậu thuốc lá qua biên giới và cửa khẩu.

Mỹ Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.