TP. Buôn Ma Thuột: Tiếp tục tổ chức thích ứng an toàn phòng, chống dịch
Ngày 22/2, UBND TP. Buôn Ma Thuột ra thông báo số 524 về việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn kể từ 0 giờ ngày 23/2. Đây được xem là động thái cần thiết để địa phương tổ chức kiểm soát tốt tình hình trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan.
Thông báo nhấn mạnh chủ trương địa phương áp dụng theo Kế hoạch số 10699 (ngày 1/11/2021) của UBND tỉnh Đắk Lắk, tạo thế chủ động trong tổ chức phòng, chống dịch trước diễn biến số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục lan rộng, trong đó có nhiều ca cộng đồng.
Theo đó, TP. Buôn Ma Thuột lại bước vào một giai đoạn giám sát chặt chẽ về phòng, chống dịch trên địa bàn. Chính quyền chủ động đề ra các yêu cầu tăng cường kiểm soát chống dịch, hạn chế tụ tập đông người. Cụ thể, các hoạt động ngoài trời sẽ chỉ diễn ra dưới 50 người cùng lúc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, cơ sở tôn giáo tín ngưỡng tụ tập không quá 20 người cùng lúc, cơ sở lữ hành, tham quan phục vụ không quá 50% công suất, thư viện, bảo tàng phục vụ không quá 30% công suất… Mỗi cá nhân tham gia các hoạt động dân sinh, xã hội phải đề cao ý thức tự giác về tuân thủ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang phòng dịch, phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, massage, địa điểm Internet tập trung… phải tạm dừng hoạt động. Hoạt động giáo dục mầm non trên địa bàn tạm dừng, các lớp tiểu học và trung học tham gia học trực tuyến, chỉ riêng lớp 9 và 12 tổ chức học trực tiếp nhưng phải tuân thủ các điều kiện an toàn dịch tễ.
Lãnh đạo địa phương cho rằng, đây là các biện pháp cần thiết và thích hợp với tình hình thực tế. Có thể nói, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, các hoạt động dân sinh, kinh tế trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã diễn tiến trở lại bình ổn, lượng cư dân đi lại sinh hoạt gia tăng, nhất là giao lưu thương mại, dịch vụ từ thành phố lan tỏa ra xung quanh. Địa phương cũng thí điểm mở lại các hoạt động du lịch, dù mang tính cục bộ. Do đó, mức độ tương tác trong cộng đồng cư dân tăng đã tạo điều kiện phát sinh những nguy cơ lây lan dịch bệnh. Con số ca nhiễm tăng lên cho thấy rõ điều đó, rất cần phải đánh giá chấn chỉnh lại tình hình để ngăn chặn hiệu quả mọi khả năng nguy cơ.
Nhân viên y tế TP. Buôn Ma Thuột lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn. Ảnh: Kim Oanh |
Điều thuận lợi với địa phương hiện nay là mật độ phủ vắc xin trên địa bàn đã ổn và tăng cao, trong đó nhiều nhóm đối tượng cư dân đã bắt đầu tiêm mũi 3. Đa số người dân TP. Buôn Ma Thuột cũng đã thích ứng với hoàn cảnh sinh hoạt mới, chú ý thực hiện 5K và các tiêu chí an toàn dịch tễ khác. Chính quyền các cấp cơ sở cũng hết sức lưu ý, chủ động nhắc nhở, tuyên truyền để người dân tự giác chấp hành các chủ trương chung, tạo hoàn cảnh giám sát dịch tễ hữu hiệu.
Quan trọng hơn, cùng chung tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, hoạt động phòng, chống dịch tại địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được triển khai chặt chẽ và cụ thể hơn, từ khoanh vùng cách ly điểm cho đến giám sát tập trung tại cơ sở, không còn phong tỏa diện rộng cũng như siết quá chặt các hành lang kiểm soát ở từng lĩnh vực dân sinh, kinh tế - xã hội. Điều này phù hợp thực tiễn người dân và các doanh nghiệp sau hơn một năm bị ảnh hưởng dịch bệnh, gặp nhiều khó khăn hơn, cần được tạo điều kiện tái phục kinh doanh, tổ chức dịch vụ…
Theo một số chủ cơ sở kinh doanh có điều kiện, thông báo mới của địa phương dĩ nhiên có ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư làm ăn của họ, như dịch vụ massage, Internet công cộng… Song, với hiện trạng dịch bệnh tái bùng phát, các chủ cơ sở đều thể hiện trách nhiệm chia sẻ và tăng cường ngăn ngừa cùng cộng đồng. Hy vọng đặt ra với họ là thời gian áp dụng tạm thời dừng sẽ diễn ra ngắn hạn bởi hoàn cảnh hiện tại đã tích cực hơn, mức độ nguy hiểm của dịch bệnh đang giảm dần, số ca nhiễm bệnh trở nặng hầu như rất ít.
Băn khoăn của các doanh nghiệp là với chỉ đạo mới, trong những ngày tới, thực tế công tác phòng, chống dịch của địa phương cần có những động thái quyết liệt và tích cực thế nào. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc mạnh dạn và đồng đều hơn của các cấp chính quyền, các ngành quản lý. Thực tế cho thấy, vẫn còn không ít đơn vị quản lý thiếu chủ động, thậm chí cứng nhắc trong xử lý tình hình, e dè trách nhiệm khi có sự vụ xảy ra; nhất là trong các mảng khai báo y tế cơ sở, tổ chức tiêm vắc xin trong cư dân, tổ chức giáo dục trực tiếp ở các trường lớp có trường hợp lây nhiễm… Đơn cử tại một số phường trung tâm của TP. Buôn Ma Thuột, lực lượng y tế cơ sở còn mỏng, lúng túng khi triển khai các yêu cầu tổ chức tiêm vắc xin đến các hộ có người trong hoàn cảnh đặc biệt, nếu xảy ra dịch bệnh lây lan diện rộng sẽ rất dễ bị quá tải…
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc