Multimedia Đọc Báo in

Trẻ biếng ăn: Nguyên nhân và cách khắc phục

08:48, 20/02/2022

Biếng ăn khi trẻ giảm hoặc mất cảm giác thèm ăn, trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, nôn ói khi nhìn thấy thức ăn…

Biếng ăn sẽ khiến trẻ chậm tăng cân gây suy dinh dưỡng, chậm phát triển chiều cao gây còi cọc và ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và trí thông minh của trẻ. Ngoài ra, trẻ nhẹ cân, suy dinh dưỡng, còi cọc có sức đề kháng kém nên dễ mắc bệnh và khi đó trẻ càng biếng ăn hơn và quá trình phục hồi dinh dưỡng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em. Đầu tiên là thiếu ăn. Người mẹ thiếu ăn hoặc ăn uống không đủ chất khi mang thai sẽ làm cho thai nhi suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh ra non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Thiếu ăn có thể do điều kiện kinh tế gia đình, trẻ không được cho ăn no và đầy đủ chất dẫn tới thiếu chất đạm, vitamin (A, B, C, D…) và khoáng chất (canxi, sắt, kẽm, selen…) làm cho trẻ biếng ăn.

Biếng ăn ở trẻ là tình trạng gây mệt mỏi, chán nản ở trẻ và người lớn. Ảnh internet
Biếng ăn ở trẻ là tình trạng gây mệt mỏi, chán nản ở trẻ và người lớn. Ảnh internet

Nguyên nhân kế đến là sai lầm trong nuôi dưỡng trẻ: cho trẻ ăn dặm quá sớm hoặc khẩu phần ăn không cân đối. Ăn dặm quá sớm khi hệ tiêu hóa chưa phát triển, chưa có đầy đủ men tiêu hóa sẽ làm cho trẻ kém hấp thu thức ăn, nôn ói hay tiêu chảy. Khẩu phần ăn không cân đối như chỉ ăn một hoặc hai nhóm thực phẩm mà không ăn đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm tinh bột (cơm, mì, hủ tíu, khoai…), chất đạm (thịt, cá, trứng…), chất béo (váng sữa, phô mai, bơ, thịt mỡ…) và rau cải và trái cây (cung cấp vitamin và khoáng chất). Việc này khiến trẻ bị thiếu các chất tạo ra men tiêu hóa giúp trẻ ăn ngon nên trẻ sẽ lười ăn, không hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng, táo bón, chướng bụng, khó tiêu dẫn tới chậm tăng cân, suy dinh dưỡng.

Những thay đổi sinh lý của trẻ giữa các giai đoạn biết lật, biết ngồi, biết bò, biết đi, mọc răng cũng làm trẻ biếng ăn. Bên cạnh đó, thói quen cho trẻ ăn của cha mẹ cũng góp phần làm trẻ biếng ăn như: món ăn không được chế biến hấp dẫn hoặc lặp lại một vài món ăn, thức ăn không hợp khẩu vị, số lượng thức ăn hoặc bữa ăn chưa hợp lý, cho trẻ ăn không có giờ giấc cố định hoặc ăn nhiều quà vặt, bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn. Cho trẻ xem ti vi, chơi điện tử... trong khi ăn khiến trẻ không tập trung để ăn, ăn lâu, gây hiện tượng ngang bụng, trẻ không muốn ăn dù chưa ăn được nhiều.

Một số trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý: bị người lớn thúc ép ăn trong khi trẻ mải chơi nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chạy trốn, nhiều cháu cứ thấy chén thức ăn là khóc, buồn nôn. Một số cháu không ăn để “chống đối” cha mẹ.

Nên quan tâm đến vấn đề đau khi trẻ mọc răng vì khi mọc răng trẻ rất đau và sốt nhẹ, trẻ không dám ăn vì đau khi nhai. Nguyên nhân cuối cùng là khi trẻ mắc các bệnh lý cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, nhiễm ký sinh trùng (giun sán…) hoặc mắc các bệnh lý mãn tính. Khi đó hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, B, C, magiê, B6, sắt, kẽm… làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, nếu trẻ dùng kháng sinh kéo dài sẽ gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột hoặc thiếu men tiêu hóa làm trẻ bị đầy bụng, khó tiêu, kém hấp thu thức ăn nên không có cảm giác muốn ăn, dẫn tới biếng ăn. Biếng ăn cũng có thể gặp ở trẻ uống sắt, vitamin A, vitamin D quá liều.

Để giải quyết tình trạng biếng ăn, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa, bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ và điều quan trọng là phải tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn ở trẻ để khắc phục.

Khi mang thai, mẹ nên cố gắng ăn uống nhiều và đủ chất dinh dưỡng. Nên có một chế độ dinh dưỡng và thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân. Cần phòng, chống bệnh còi xương, bệnh thiếu máu do thiếu sắt ngay từ tháng tuổi thứ 2, liên tục cho đến khi trẻ được 5 tuổi.

Nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Ăn dặm chỉ thực hiện khi trẻ đủ 6 tháng trừ trường hợp trẻ không tăng cân hay nhẹ cân khi bú mẹ, có thể do mẹ ít sữa hay sữa mẹ không đủ chất dinh dưỡng. Tập cho trẻ ăn đa dạng thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để cho trẻ ăn ngon miệng.

Thay đổi thói quen cho trẻ ăn, trong bữa ăn phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. Không nên vì mong con nhanh tăng cân mà ép trẻ ăn quá nhiều, không nên la mắng, doạ dẫm để ép trẻ ăn.

Cần đưa trẻ đến bác sĩ ngay để khám và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, giảm đau trong qúa trình trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng vì nhiễm khuẩn hoặc đau sẽ làm trẻ mệt mỏi, ức chế cơ thể tiết men tiêu hóa nên trẻ ăn không ngon và ăn ít. Trong thời gian này nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu và quan trọng là cần bổ sung đầy đủ các loại vitamin (A, C, D, E) và khoáng chất (kẽm, canxi, iốt, selen…).

PGS.TS. Bùi Quốc Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.