Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống bệnh truyền nhiễm

08:13, 25/05/2022

Số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho thấy, đến ngày 20/5, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 200 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 14 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), trong đó huyện Ea Súp là địa phương ghi nhận số ca mắc SXH cao nhất với 117 trường hợp mắc, tăng gấp 55 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Theo Giám đốc CDC Trịnh Quang Trí, năm 2021, do dịch COVID-19, mật độ lưu thông, giao lưu giữa các vùng miền thấp, học sinh chuyển qua hình thức học online trong thời gian dài để phòng, chống dịch bệnh nên các bệnh truyền nhiễm như TCM, tiêu chảy… ở tỷ lệ thấp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây nhờ độ bao phủ của vắc xin, số ca mắc COVID-19 giảm sâu, hoạt động của người dân bình thường trở lại khiến các bệnh truyền nhiễm dễ dàng xâm nhập, lây lan từ vùng này sang vùng khác.

Bên cạnh đó, theo chu kỳ dịch tễ 3 năm một lần, năm 2022 là năm dịch bệnh SXH bùng phát trở lại. Do đó, vấn đề phòng, chống dịch SXH và các bệnh truyền nhiễm khác đang được chú trọng triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hiện CDC đã tham mưu Sở Y tế triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để có biện pháp dự phòng tích cực; giám sát các ca bệnh để có biện pháp xử lý thích hợp, khống chế không để lây lan trên diện rộng; đồng thời tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh.

Nhân viên y tế huyện Krông Năng giám sát véc tơ chủ động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Quang Nhật

Tại huyện Cư Kuin, song song với công tác phòng, chống dịch COVID-19, Trung tâm Y tế huyện còn phối hợp với chính quyền địa phương duy trì các biện pháp phòng, chống hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm khác, nhất là SXH, sốt rét và TCM.

Bác sĩ CKII Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin cho biết, đơn vị tập trung tuyên truyền trên hệ thống loa đài của các xã, thôn, buôn bằng hai thứ tiếng, tổ chức các xe tuyên truyền di động, đồng thời nhắc nhở và hướng dẫn người dân tham gia phòng, chống dịch như: hằng tuần thực hiện tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, thu dọn các dụng cụ phế thải; thả cá vào các bể chứa nước; tự theo dõi sức khỏe.

Ngoài ra, để chủ động phòng, chống các dịch bệnh mùa hè, Trung tâm còn chỉ đạo, theo dõi việc giám sát dịch bệnh trên địa bàn toàn huyện, đặc biệt là các ổ dịch cũ, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý kịp thời; tăng cường công tác giám sát từ phòng khám bệnh, trạm y tế xã và cộng đồng nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh dịch đầu tiên, kịp thời thu dung điều trị bệnh nhân, đồng thời tiến hành các biện pháp xử lý dịch không để lây lan rộng. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng triển khai tập huấn chuyên môn nghiệp vụ công tác phòng, chống dịch cho cán bộ tuyến huyện, xã và thôn, buôn, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất và trang thiết bị cần thiết phục vụ khi có dịch xảy ra.

Còn tại huyện Krông Búk, để tăng cường phòng tránh dịch bệnh TCM bùng phát, Trung tâm Y tế huyện đã xây dựng các kế hoạch truyền thông, đồng thời phối hợp với ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các xã, phường đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Theo bác sĩ Trần Thuận, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, Trung tâm đã rà soát và củng cố lại hệ thống bồn rửa tay tại các trường học, phát xà phòng, hướng dẫn các trường học thực hiện các bước rửa tay cho học sinh, nhất là trẻ mầm non khi tới trường. Đồng thời rà soát, quản lý các điểm giữ trẻ tự phát để kịp thời phát hiện, xử lý sớm khi có ca bệnh, tránh để bệnh lây lan. Trung tâm cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân trong việc nâng cao ý thức phòng bệnh như phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, chiến dịch diệt lăng quăng, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước là nơi muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng và phát triển để phòng bệnh SXH.

Dự báo thời gian tới các loại dịch bệnh truyền nhiễm sẽ còn diễn biến phức tạp và nguy cơ dịch bệnh bùng phát rất cao. Do đó, ngành y tế khuyến cáo người dân cần chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin phòng bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường sống; hạn chế đến nơi đông người; thực hiện ăn chín, uống sôi, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; khi có dấu hiệu mắc bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần chủ động báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan trong cộng đồng.

    Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.