Multimedia Đọc Báo in

Tác hại của thuốc lá đối với trẻ vị thành niên

08:14, 13/05/2022

Ở độ tuổi mới lớn, trẻ vị thành niên rất dễ bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, phim ảnh, quảng cáo và thường tò mò học đòi theo nên rất nhiều trẻ nhiễm thói quen hút thuốc lá.

Trường hợp em N.V.K. (trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) từ nhỏ đã rất tò mò khi thấy người lớn hút thuốc lá. Khi lên cấp 3, một số bạn bè trong lớp hút thuốc và rủ em hút thử, sau đó K. bắt đầu hút thuốc thường xuyên hơn. Dù biết rằng hút thuốc lá có nhiều tác hại nhưng bây giờ K. thấy rất khó khăn trong việc bỏ thuốc lá. K. đã từng thử bỏ hút thuốc lá hai lần nhưng không thành công. Còn chị Phan Thị Minh (trú huyện Cư Kuin) đã rất bất ngờ khi một lần tình cờ bắt gặp con trai đang là học sinh THPT của mình hút thuốc lá.

“Khi tôi hỏi vì sao con hút thuốc lá, cháu bảo bạn bè trong trường rủ hút nên muốn thử cho biết, rồi cũng thích thể hiện nên hút cho vui. Suốt quá trình nói chuyện với con, tôi luôn nhấn mạnh những tác hại mà thuốc lá gây ra cho bản thân cháu và những người xung quanh, đồng thời khuyên con bỏ thuốc. Sau đó, hai mẹ con cùng đồng hành trong quá trình giúp cháu bỏ thuốc lá”, chị Minh tâm sự.

Học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory tìm hiểu các thông tin về tác hại của thuốc lá.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Bảo Toàn, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột), kết quả nghiên cứu cho thấy có đến 70% những người hút thuốc bắt đầu thử thuốc lá khi họ chưa đầy 18 tuổi; nhiều người hút thuốc từ năm 11 tuổi và có trẻ 14 tuổi đã nghiện thuốc lá. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới, có nhiều người trẻ hút thuốc lá, đặc biệt là trẻ vị thành niên. Trẻ vị thành niên hút thuốc lá có thể do bản tính tò mò, muốn tìm hiểu, bắt chước theo bạn bè, song thử 1 - 2 lần rồi hút nhiều lần và không bỏ được. Không ít thanh thiếu niên có cách nghĩ sai lệch rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện được cá tính của bản thân; có em vì đua đòi và học theo bạn bè, vì tò mò và cũng có em tìm đến thuốc lá như một biện pháp giải bớt căng thẳng, hút dần thành quen và đến nghiện.

Hút thuốc lá để lại rất nhiều hậu quả cho sức khỏe bởi trong thuốc lá có rất nhiều chất nicotine và có trên 90 chất có thể gây ảnh hưởng đến phổi, ung thư phổi. Hút thuốc lá sẽ gây khó khăn trong nhận thức, rối loạn hành vi, ảnh hưởng đến việc cung cấp ô xy cho các mô của cơ thể, làm giảm đáp ứng của nhịp tim khi hoạt động, giảm khả năng học tập ở trường. Hút thuốc lá lâu dài sẽ làm tổn thương hệ thần kinh và đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư phổi, ung thư vòm họng, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, loét dạ dày, trầm cảm, giảm khả năng sinh sản và liên quan đến nhiều bệnh khác. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá là nguyên nhân gây nên gánh nặng bệnh tật với khoảng 50% người hút thuốc lá sẽ tử vong sớm do các bệnh liên quan đến thuốc lá, và tuổi thọ trung bình của người hút thuốc giảm khoảng 15 năm so với người không hút thuốc lá.

Để học sinh không hút thuốc lá, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Thầy Mai Đường Thế Huy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Nhằm giúp học sinh không hút thuốc lá, nhà trường đã thành lập một tổ kỹ năng sống, trải nghiệm, sáng tạo, các thầy cô trong tổ được đào tạo bài bản về chuyên môn để tư vấn về tâm lý, sức khỏe cũng như kỹ năng cho các học sinh. Với các bài thí nghiệm đơn giản như cắm điếu thuốc vào dụng cụ thí nghiệm, sau khi điếu thuốc tàn kết quả dụng cụ chuyển màu đen, qua đó giúp các em nhận ra tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá. Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tổ chức các chuyên đề về thuốc lá học đường theo từng khối, lớp, phù hợp với đặc thù tâm lý của học sinh.

Thiết nghĩ, để hạn chế tình trạng trẻ vị thành niên hút thuốc lá, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những chế tài nghiêm khắc hơn đối với việc bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi, đồng thời triển khai công tác phối hợp giáo dục, quản lý giữa gia đình và nhà trường chặt chẽ hơn. Cùng với đó là tạo nhiều hoạt động nhằm tuyên tuyền phòng chống tác hại của thuốc lá một cách đầy đủ, khuyến khích các em lắng nghe, thấu hiểu và tự phòng vệ cho sức khỏe của chính mình. Đặc biệt, phụ huynh, thầy, cô giáo và những người lớn xung quanh luôn gương mẫu, chấp hành nghiêm những quy định về không hút thuốc lá để làm gương cho các em.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.