Multimedia Đọc Báo in

Chung sức duy trì miễn dịch cộng đồng với COVID-19

09:28, 23/06/2022

Để tiếp tục thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo mọi người dân được tiêm đủ liều vắc xin theo quy định nhằm duy trì miễn dịch cộng đồng với COVID-19, nhiều giải pháp đã và đang được ngành Y tế triển khai.

Vắc xin COVID-19 đã và đang làm giảm dần số ca nhiễm vi rút cũng như số lượng bệnh nhân chuyển nặng, giảm số lượng người phải nhập viện điều trị và giảm nguy cơ tử vong. Dù càng ngày càng có thêm nhiều biến thể hoành hành nhưng vắc xin COVID-19 vẫn đang làm tốt vai trò bảo vệ con người trước dịch bệnh. Ý thức được tầm quan trọng của việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19, khi nhận được thông báo của chính quyền địa phương về việc triển khai tiêm mũi 4 cho các đối tượng ưu tiên, nhiều người dân đã hưởng ứng và đi tiêm đúng lịch.
Bà Võ Thị Tứ (sinh năm 1951, trú tại thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) chia sẻ, sau khi tiêm các mũi vắc xin trước, bản thân bà thấy sức khỏe của mình hoàn toàn bình thường. Nhờ tiêm vắc xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch mà đến nay bà vẫn chưa mắc COVID-19. Theo bà Tứ, được chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho người dân tiêm vắc xin là điều may mắn, do đó, bà động viên người thân và hàng xóm đi tiêm đầy đủ các mũi vắc xin để bảo vệ sức khỏe của chính mình, gia đình và toàn xã hội, giúp đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Người dân thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4.
Người dân thôn 9, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 4.

Theo bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin, hiện nay huyện đang triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt thứ 23 theo kế hoạch phân bổ vắc xin của tỉnh. Trong 22 đợt tiêm trước, tỷ lệ người dân tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3 của huyện đều đạt chỉ tiêu đề ra, hiện đơn vị đang triển khai tiêm mũi 4 cho người dân.
Quá trình triển khai tiêm vắc xin gặp không ít khó khăn vì tình hình dịch bệnh đã được khống chế, một số người dân chủ quan, nhất là tại một số buôn đồng bào dân tộc thiểu số nhiều người còn chưa hợp tác, do đó, công tác tiêm vắc xin khó khăn hơn.

Trước tình hình đó, TTYT đã báo cáo, tham mưu UBND huyện xây dựng các kế hoạch chỉ đạo chính quyền các xã, đồng thời đến tận các thôn, buôn để thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đi tiêm vắc xin để phòng, chống dịch bệnh.

Có thể nói, trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc tiêm phòng vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất để đẩy lùi dịch bệnh. Và thực tế, nhờ có vắc xin mà hiện nay, dịch COVID-19 đã được khống chế trên cả nước nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Tại Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại đã được cấp gần 4 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 và đã triển khai tiêm mũi 1 cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt 99,8%, mũi 2 đạt 95,6%, mũi 3 đạt 32,2%, mũi 4 đạt 1,5%; tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 12-17 tuổi đạt 99,9%, mũi 2 đạt 93,1%; tiêm mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 21,7%.

Tại cuộc họp trực tuyến toàn quốc về công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh diễn ra ngày 20/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Tổ chức Y tế thế giới nhận định, thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của COVID-19 có thể làm dịch bệnh trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron là biến thể phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng.

Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) cho biết, thời gian qua, Đắk Lắk đã đạt chỉ tiêu tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, mũi 2. Từ nay đến ngày 30/6, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh và Sở Y tế về  đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, CDC đã có công văn, kế hoạch giao chỉ tiêu cụ thể cho 15 huyện, thị xã, thành phố triển khai tiêm vắc xin đạt mục tiêu mũi 3 và mũi 4.
Hiện tại, vắc xin đã được phân bổ cho các huyện, đồng thời ngày 21/6, CDC cũng đã có tờ trình gửi Sở Y tế tham mưu để Tỉnh ủy ban hành chỉ thị về tiêm phòng vắc xin COVID-19 trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tiêm đủ mũi 3 cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đạt chỉ tiêu trên 95% và hoàn thành việc tiêm mũi 4 cho các đối tượng ưu tiên theo quy định của Bộ Y tế.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, CDC đã giao chỉ tiêu cho các Trung tâm Y tế huyện và các đơn vị này có trách nhiệm tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố đề ra các biện pháp mạnh đối với từng cơ sở. Bên cạnh đó, CDC còn đẩy mạnh công tác truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân hiểu và tham gia tiêm chủng.

Trên thực tế, hiện nay có không ít người dân vẫn còn tâm lý do dự, chủ quan trước dịch COVID-19, cho rằng dịch bệnh trở nên bình thường và đã tiêm đủ 2 mũi, nhiều trường hợp đã nhiễm COVID-19 không muốn tiêm, một số khác sau tiêm các đợt trước có các tác dụng phụ làm người sốt, mệt mỏi nên không muốn tiêm mũi tiếp theo khiến cho tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 có xu hướng chậm lại.

Bên cạnh đó, ngoài số liệu được báo cáo thống kê, một số lượng người mắc COVID-19 nhưng không báo cho y tế dẫn đến việc khó khăn trong tính toán nhu cầu vắc xin, đặc biệt là tổ chức tiêm mũi nhắc lại lần 2 (quy định các trường hợp mắc COVID-19 tiêm sau 3 tháng). Ngoài ra, hạn sử dụng vắc xin đến hết ngày 30/6 cũng tạo áp lực lớn cho các cơ sở tiêm chủng.

“Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có khoảng 260.000 liều vắc xin có hạn sử dụng vào ngày 30/6. Việc vắc xin tồn sắp hết hạn không chỉ riêng tỉnh Đắk Lắk mà đây là tình trạng chung của cả nước. CDC đã báo cáo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, UBND tỉnh về số vắc xin nói trên. Với số lượng người dân trên 18 tuổi của tỉnh gần 600.000 người, nếu có sự vào cuộc, đồng hành của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, các biện pháp mạnh của các cấp chính quyền thì số vắc xin trên sẽ được tiêm hết cho người dân trước khi hết hạn sử dụng” – thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc nhấn mạnh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.