Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh phong trào không thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên

09:14, 25/07/2022

Trước chiều hướng gia tăng tình trạng hút thuốc lá ở thanh, thiếu niên, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ sở đoàn đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, phát động phong trào thi đua không thuốc lá trong đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Những hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức cho ĐVTN về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường, lợi ích khi xây dựng môi trường không khói thuốc lá.

Theo đó, Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại thuốc lá; triển khai, quán triệt các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHCTL) đến các huyện, thị, thành đoàn và cơ sở đoàn trực thuộc. Các cơ sở đoàn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động ĐVTN gương mẫu “Nói không với thuốc lá” với tinh thần: “Cán bộ Đoàn là những người tiên phong trong việc không hút thuốc lá nơi công cộng”.

Đây cũng là một trong những nội dung hoạt động của các cấp bộ đoàn cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn”. Đồng thời, thực hiện treo các bảng cấm hút thuốc lá, pa nô, băng rôn với nội dung xây dựng môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị.

Đơn cử như Chi đoàn Bệnh viện Tâm thần tỉnh Đắk Lắk đã triển khai hiệu quả mô hình “Cơ sở y tế không khói thuốc lá”, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn về tác hại thuốc lá cũng như những lợi ích khi bỏ thuốc lá đối với bệnh nhân và người nhà đang điều trị tại bệnh viện. Hay chị Nguyễn Thị Hoa, Chi đoàn Sở Tư pháp chia sẻ: “Hiện nay, đa phần thanh niên trong Chi đoàn nhận thức được tác hại của thuốc lá nên đã tích cực hưởng ứng phong trào nói không với thuốc lá, xây dựng môi trường công sở an toàn, văn minh”.

Tỉnh Đoàn phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn về phòng, chống tác hại của thuốc lá cho đoàn viên, thanh niên.

Khối trường học có lực lượng ĐVTN đông đảo. Hằng năm, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đoàn và các cơ sở đoàn trực thuộc phối hợp với các trường học triển khai nhiều biện pháp truyền thông về tác tại của thuốc lá. Hiện nay, các trường đều có quy định cấm hút thuốc lá trong trường học; đồng thời lồng ghép trong các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần, các buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá nhằm nâng cao nhận thức cho các em.

Tại các trường đại học, cao đẳng, THPT... trong tỉnh, ban giám hiệu đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên ngay từ đầu các năm học xây dựng kế hoạch triển khai công tác PCTHCTL trong trường với nhiều hình thức như: tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết không hút thuốc lá; tổ chức sinh hoạt chuyên đề tìm hiểu về Luật PCTHCTL...

Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết: Hằng năm Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã xây dựng và ban hành văn bản tuyên truyền đến các cấp bộ đoàn về công tác PCTHCTL. Phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền Luật PCTHCTL đến ĐVTN và nhân dân; phổ biến các tài liệu PCTHCTL phù hợp với ĐVTN. Các nội dung tuyên truyền được lồng ghép thông qua các hội nghị, tọa đàm, sinh hoạt chi đoàn, chi hội, các chương trình tư vấn, hướng nghiệp.

Riêng các năm 2020, 2021 do diễn biến của dịch bệnh COVID-19, hạn chế các sự kiện đông người nên Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn đổi mới hình thức tổ chức hoạt động, tăng cường các hoạt động tuyên truyền online trên các phương tiện truyền thông của Đoàn như website, bản tin thanh niên, mạng xã hội Facebook.

Thời gian tới, các cấp bộ đoàn trong toàn tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá, lợi ích khi không có khói thuốc lá và các quy định của Luật PCTHCTL… để thay đổi hành vi của ĐVTN nhằm xây dựng lối sống lành mạnh. Việc ĐVTN đồng hành, chung tay trong công tác PCTHCTL sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe, chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Võ Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.