Multimedia Đọc Báo in

Số người tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 trên địa bàn tỉnh tăng nhanh

07:22, 24/07/2022

Những ngày qua, lo ngại trước cảnh báo về sự xâm nhập của các biến chủng mới BA.4, BA.5 và cả biến thể phụ BA.2.12.1 với tốc độ lây lan nhanh khiến nguy cơ dịch tái bùng phát, người dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin phòng COVID-19.

Đứng trước tâm lý chủ quan của người dân khi thấy dịch bệnh COVID-19 đã được khống chế và lo ngại về các tác dụng phụ của vắc xin và bản thân đã từng mắc COVID-19 nên chần chừ chưa đi tiêm mũi 3 (mũi nhắc lại lần 1), mũi 4 (mũi nhắc lại lần 2) vắc xin phòng COVID-19, ngành y tế đã phối hợp với chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành liên quan tích cực đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân hiểu vai trò của vắc xin trong phòng chống COVID-19, từ đó tự nguyện tham gia tiêm chủng. Nhờ vậy, những ngày gần đây, công tác  khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 các mũi nhắc lại đã có nhiều chuyển biến.

Ghi nhận tại TP. Buôn Ma Thuột cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người trên 18 tuổi tham gia tiêm mũi 3 đạt khoảng hơn 45%, mũi 4 đạt trên 6%. Với nhóm trẻ từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt hơn 38%. Mặc dù, kết quả này chưa đạt so với yêu cầu đề ra của Bộ Y tế, song, những ngày gần đây số người tham gia tiêm mũi 3, mũi 4 đã gia tăng đáng kể. Giám đốc Trung tâm y tế TP. Buôn Ma Thuột Võ Minh Hùng cho biết, trong 2 đợt tiêm vắc xin COVID-19 gần nhất (đợt 24 và đợt 25), Trung tâm tiếp nhận khoảng 20.000 liều vắc xin và đã triển khai tiêm hết số lượng vắc xin được tiếp nhận, không còn tình trạng dư thừa vắc xin. Để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng mũi 3, mũi 4 của người dân đang gia tăng, hiện Trung tâm đã bắt đầu triển khai đợt 26 với lượng vắc xin tạm ứng khoảng 12.000 liều và số người đến tiêm mũi 3, mũi 4 tại phòng tiêm chủng của Trung tâm cũng như các Trạm y tế có xu hướng tăng cao trong những ngày gần đây.

Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên địa bàn.

Vừa hoàn thành việc tiêm mũi 4 vắc xin phòng COVID-19, bà Nguyễn Thị Hoa (ở phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, bà tiêm mũi 3 từ tháng 1/2022 đến nay đã hơn 6 tháng, hơn nữa bản thân bà cũng đã mắc COVID-19 nên chần chừ không muốn tiêm mũi 4. Khi thấy thông tin xuất hiện các biến chủng mới, người đã mắc COVID-19 vẫn có thể tái mắc và tình trạng bệnh có thể nặng hơn nên bà Hoa đã chủ động đi tiêm mũi 4 để phòng dịch.

Với ông Nguyễn Văn Hải (ở phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột), mặc dù đã quá thời hạn tiêm mũi 4 gần ba tháng, nhưng đến nay vợ chồng ông mới quyết định đi tiêm mũi 4 để tăng sức đề kháng sau khi nghe thông tin dịch có thể bùng phát trở lại vì đã ghi nhận các biến chủng mới. Ông Hải cho biết, bản thân ông đã hơn 70 tuổi và có nhiều bệnh lý nền như gout, mỡ máu, gan nhiễm mỡ, bệnh về xương khớp… nhưng khi tiêm 3 mũi tiêm trước ông chỉ gặp các phản ứng bình thường như sốt nhẹ và hơi đau ở chỗ tiêm. Do đó, khi tiêm mũi 4 cũng không có phản ứng gì đáng lo ngại.

Theo Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Hoàng Hải Phúc, thời gian qua, tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3, mũi 4 trên địa bàn tỉnh còn chậm so với yêu cầu do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Tuy nhiên, khi tiếp cận với thông tin ghi nhận các biến thể mới, người dân trên địa bàn tỉnh đã ý thức được cần tự bảo vệ mình bằng vắc xin. Do đó, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 trong những ngày qua tại các đơn vị tăng cao đột biến. Đơn cử như tại điểm tiêm chủng ở số 61 Lê Duẩn của CDC, khoảng một tuần trước, mỗi ngày chỉ ghi nhận 2 đến 3 người đến tiêm, nhưng vài ngày gần đây, có ngày đơn vị đã tiếp nhận tiêm chủng cho hơn 300 trường hợp đến tham gia. Thậm chí nhiều cơ quan, đơn vị đã gửi danh sách đăng ký tiêm chủng cho toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động.

Báo cáo của CDC cho thấy, tính đến nay, tỷ lệ tiêm mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 đối với người từ 18 tuổi trở lên của tỉnh đạt gần 45% và mũi 4 đạt 11% ; đối với trẻ từ 12-17 tuổi, tỷ lệ tiêm mũi 3 đạt gần 62%. Để nâng cao kết quả tiêm chủng, trong tháng 8/2022, ngành Y tế sẽ có công văn gửi các đơn vị, địa phương để đẩy nhanh tiến độ tiêm và thành lập các tổ tiêm lưu động đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các địa bàn vùng sâu vùng xa nhằm thực hiện đúng tiến độ tiêm chủng đã đề ra.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.