Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Khẩn trương ứng phó trước đỉnh dịch sốt xuất huyết

08:13, 01/08/2022

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh trên địa bàn, huyện Krông Pắc đang khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh

Theo thống kê của ngành y tế huyện Krông Pắc, từ đầu năm đến nay toàn huyện ghi nhận 166 trường hợp mắc SXH, 13 ổ dịch (61 bệnh nhân nằm trong ổ dịch), tăng 5 lần (số ca bệnh, số ổ dịch) so với cùng kỳ năm 2021. Đến thời điểm này, huyện đã xử lý được 3 ổ dịch ở thôn 6A (xã Ea Kly), thôn 3 (xã Hòa Tiến), Phước Trạch 2 (xã Ea Phê). Các ổ dịch đang được khẩn trương xử lý theo quy định (phun hóa chất kết hợp diệt bọ gậy) tại thôn Tân Trung, Tân Đông, buôn Ea Đun (xã Ea Kênh); thôn Phước Hòa (xã Ea Yông); thôn Phước Hòa 1 (xã Ea Kuăng); thôn 9 (xã Krông Búk); thôn Phước Lộc 2 (xã Ea Phê); buôn Hằng 1A (xã Ea Uy); tổ dân phố 1, tổ dân phố 7 (thị trấn Phước An).

Ông Võ Hữu Tuấn, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ea Kênh (bên trái) hướng dẫn người dân phòng bệnh sốt xuất huyết.

Chị Nguyễn Thị Bích Vân (thôn Tân Đông, xã Ea Kênh) cho hay, gần 1 tháng trước chị có biểu hiện sốt không dứt, ớn lạnh từng cơn. Vì gia đình có con nhỏ nên chị đã chủ động đến Bệnh viện Đa khoa huyện để khám và phát hiện bị SXH. Nhờ chủ động thăm khám và điều trị sớm nên hiện tại sức khỏe của chị đã hồi phục và may mắn không lây bệnh SXH cho người nhà.

 

Để phòng, chống dịch SXH, người dân cần chủ động vệ sinh môi trường; mang quần áo dài tay, bôi thuốc chống muỗi đốt, mắc mùng khi ngủ; thường xuyên đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước; tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch...

Cuối tháng 6, vợ chồng ông Hồ Phong (buôn Ea Đun, xã Ea Kênh) cùng bị SXH. Tuổi cao, sức đề kháng giảm, những cơn sốt liên hồi đã khiến sức khỏe ông bị sa sút; thời gian phục hồi sau SXH kéo dài hơn so với nhiều bệnh nhân khác bị bệnh cùng thời điểm. May mắn là ngay khi có biểu hiện sốt, vợ chồng ông đã đi khám và nhập viện điều trị kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, xã Ea Kênh đã ghi nhận 39 trường hợp mắc SXH (chiếm hơn 23% tổng số ca bệnh trên toàn huyện) và đều nằm trong 3 ổ dịch ở thôn Tân Trung, Tân Đông, buôn Ea Đun. Ông Võ Hữu Tuấn, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Ea Kênh cho biết, ngay khi nhận được tin báo hệ thống ghi nhận một ca bệnh SXH trên địa bàn, lực lượng y tế địa phương lập tức đến tận gia đình để điều tra, xác minh xem bệnh nhân mắc SXH tại nơi công tác hay nơi cư trú và hỗ trợ người dân nếu cần. Trường hợp có nhiều bệnh nhân thì tiến hành các biện pháp điều tra liên quan để xác minh đó có phải là ổ dịch hay không. Nếu là ổ dịch thì tổ chức dọn vệ sinh, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh, giám sát bệnh nhân và trung gian truyền bệnh với muỗi trưởng thành, bọ gậy; tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy và tuyên truyền về bệnh SXH tại địa phương...

Người dân buôn Ea Đun, xã Ea Kênh dọn vệ sinh phòng ngừa sốt xuất huyết.

Dự đoán đỉnh dịch vào tháng 8

Căn cứ theo diễn biến thực tế và chu kỳ dịch bệnh, ngành y tế huyện Krông Pắc đã dự báo năm 2022 sẽ bùng phát dịch và tổ chức đồng loạt các hoạt động phòng, chống dịch SXH ngay từ đầu năm như: xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch SXH; tham mưu UBND huyện lồng ghép nội dung phòng, chống dịch SXH trong các hoạt động của cả hệ thống chính trị; phát tờ rơi tuyên truyền phòng, chống dịch SXH... Tuy nhiên, đến nay dịch SXH vẫn chưa có dấu hiệu chững lại.

Bác sĩ Nguyễn Quý, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc nhấn mạnh, ngành y tế dự báo đỉnh dịch SXH sẽ rơi vào tháng 8/2022. Hiện tại, thời tiết mưa nắng thất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh SXH phát triển. Bởi mưa làm nước ứ đọng ở nhiều vị trí thuận lợi cho muỗi đẻ trứng, phát triển thành bọ gậy và muỗi trưởng thành phát triển nhanh chóng. Bác sĩ Quý cũng khuyến cáo, khi mắc SXH, người bệnh cần nằm viện điều trị, theo dõi sức khỏe; nếu có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm thì phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.