Chủ động đề phòng Adeno vi rút
Thời gian gần đây, Bộ Y tế liên tục đưa ra cảnh báo về việc gia tăng các trường hợp trẻ mắc Adeno vi rút, trong đó đã ghi nhận 7 trường hợp tử vong. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng vì đang là thời điểm trẻ tựu trường, giao mùa khiến nguy cơ trẻ mắc bệnh càng cao.
Adeno cùng các vi rút khác như vi rút hợp bào, cúm là các vi rút lưu hành quanh năm, tùy theo điều kiện mà lây bệnh cho người. Adeno được chia làm 7 nhóm từ A - G, trong đó có hơn 50 tuýp gây bệnh ở người và có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó phổ biến nhất là khả năng gây viêm đường hô hấp cho mọi người ở mọi lứa tuổi, nhất là đối tượng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Bệnh nhi mắc viêm phổi được thở khí dung. Ảnh: Quang Nhật |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thúy Minh, Trưởng khoa Nhi tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), Adeno vi rút là nguyên nhân gây viêm đường hô hấp cấp đứng thứ hai sau vi rút hợp bào hô hấp. Bệnh thường gây viêm đường hô hấp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi. Adeno vi rút có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau, trong đó hay gặp ở đường hô hấp và đường tiêu hóa. Khi mắc Adeno vi rút, tùy vào bệnh cảnh lâm sàng và Adeno vi rút tấn công các cơ quan khác nhau, bệnh sẽ có các biểu hiện khác nhau. Cụ thể, nếu bị đường hô hấp trên sẽ biểu hiện viêm họng, viêm mũi – họng; nếu bị đường hô hấp dưới sẽ có biểu hiện viêm phổi, viêm tiểu phế quản do Adeno vi rút gây ho, khò khè, khó thở, suy hô hấp. Ngoài ra, bệnh có thể làm tổn thương đường tiêu hóa gây tiêu chảy, nôn ói, mất nước; các trường hợp khác nặng hơn có thể gây tổn thương não hoặc màng não với biểu hiện nôn ói, thóp phồng, đau đầu, co giật... Vi rút Adeno có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời như: Suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Bệnh còn có thể để lại các biến chứng lâu dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ như hội chứng viêm tiểu phế quản bít tắc sau nhiễm trùng, giãn phế quản, xơ phổi.
Adeno vi rút lây truyền qua đường giọt bắn, qua đường hô hấp giữa người với người. Bệnh có thể lây qua niêm mạc khi bơi lội hoặc nguồn nước dùng trong sinh hoạt bị ô nhiễm, hoặc lây truyền khi sử dụng chung những vật dụng cá nhân với người bệnh. Thời gian ủ bệnh khoảng từ 8 - 12 ngày. Tuy nhiên, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng, cần tỉnh táo để phát hiện kịp thời và phòng lây nhiễm cho trẻ. Khi phát hiện trẻ có các triệu chứng nghi ngờ của Adeno vi rút nói riêng và các loại vi rút nói chung thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Các dấu hiệu nguy hiểm phụ huynh cần lưu ý để đưa trẻ nhập viện ngay đó là trẻ co giật, nôn ói, bỏ bú, li bì khó đánh thức, sốt cao, ho, khó thở, khò khè, thở mệt, thở nhanh, mệt lả, tiêu chảy, các dấu hiệu thần kinh bất thường.
Bệnh nhi điều trị viêm phổi tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Quang Nhật |
Theo các chuyên gia y tế khuyến cáo, bệnh do Adeno vi rút gây ra hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điệu trị đặc hiệu, mà chỉ điều trị triệu chứng như những bệnh viêm hô hấp do vi rút, vì đa số bệnh nhân sẽ tự khỏi, ngoài nguy cơ chuyển nặng cao ở những trẻ có bệnh nền, thể trạng yếu, sức đề kháng kém. Để phòng lây nhiễm vi rút Adeno, phụ huynh cần nâng cao thể trạng cũng như tăng sức đề kháng cho trẻ, cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Với trẻ nhỏ tháng nên cho uống vitamin A mỗi 6 tháng/lần tại trạm y tế, bú mẹ hoàn toàn trong vòng 24 tháng đầu, tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Cần giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, khi ho nên che miệng, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng. Tránh cho trẻ tiếp xúc với các trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi bị nhiễm vi rút Adeno không nên tiếp xúc gần với nhiều người, nhằm tránh lây lan vi rút cho cộng đồng. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường về hô hấp, cha mẹ cần đưa ngay đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc