Multimedia Đọc Báo in

Từ lồng ấp trở về với vòng tay cha mẹ...

09:29, 19/02/2023

Ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, trẻ sinh non tháng đã phải chịu nhiều thiệt thòi, đối diện nhiều nguy cơ về sức khỏe như suy hô hấp do phổi chưa phát triển đầy đủ, vàng da, viêm ruột hoại tử… thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Trong hành trình giành sự sống cho các em bé sinh non luôn có sự đồng hành của các y bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Họ không đơn thuần là cán bộ y tế mà còn là những ông bố, bà mẹ thứ hai của các cháu...

Với sự nỗ lực của nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trong 6 năm qua đã có 325 trẻ sơ sinh non tháng trên địa bàn tỉnh được cứu sống, trở về khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của gia đình. Hành trình đưa những em bé sinh non từ lồng ấp trở về với vòng tay cha mẹ là cuộc chiến đầy cam go, thử thách. Các em bé tí hon vừa rời bụng mẹ đã được đưa vào lồng ấp, quanh người chằng chịt dây nhợ nối với máy thở, hệ thống kiểm soát nhiệt độ, máy theo dõi nhịp tim, huyết áp, ôxy, dây truyền dinh dưỡng… Do là khoa chăm sóc đặc biệt, bệnh nhân là trẻ sinh non, không có sức đề kháng nên vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại nơi đây đặc biệt được chú trọng. Người nhà bệnh nhi không được vào chăm sóc nên mọi công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhi như truyền dịch, truyền thức ăn cho trẻ, tắm rửa, thay tã… đều do các y bác sĩ, điều dưỡng thực hiện.

Điều dưỡng Đặng Thị Bích Ngọc chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).

Không kể ngày hay đêm, các y, bác sĩ phải liên tục theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ để kịp thời xử lý những tình huống bất thường có thể xảy ra. Việc chăm sóc, điều trị cho trẻ sơ sinh thiếu tháng rất áp lực, chưa kể có những trẻ còn mắc bệnh nặng, bệnh nan y. Tận mắt chứng kiến những bé sinh non thoi thóp trong lồng ấp, máy móc chằng chịt quanh người thì mới cảm nhận được hết cuộc chiến quyết liệt của các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây để giành lại sự sống cho những sinh linh bé nhỏ, đưa các em trở về trong vòng tay yêu thương của bố mẹ, người thân.

Gắn bó với việc chăm sóc trẻ sinh non tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh hơn 10 năm, điều dưỡng Đặng Thị Bích Ngọc cùng đồng nghiệp đã trải qua biết bao thăng trầm cảm xúc, từ những niềm vui, nụ cười khi một em bé sinh non khỏe mạnh xuất viện, đến những giọt nước mắt đau xót khi có sinh linh không may mắn qua khỏi; lại có lúc vỡ òa với kỳ tích xuất hiện ở những trường hợp tưởng chừng đã mất hy vọng. Chị Bích Ngọc chia sẻ: “Các em bé sinh non là những cơ thể non nớt mới chỉ 27 - 28 tuần tuổi, thậm chí có bé chỉ mới được 800 g, cơ thể các bé mong manh và nhỏ xíu nên quá trình chăm sóc các bé gặp vô vàn khó khăn. Vì thế, để chăm sóc các em, bác sĩ và y tá không chỉ cần kỹ thuật và kinh nghiệm, mà còn cần sự khéo léo và một trái tim can đảm. Vất vả là vậy, nhưng hiểu rằng mỗi một em bé chiến thắng trở về với cuộc sống bình thường là thêm một mầm xanh được ươm lên, là niềm hạnh phúc vô bờ của các gia đình nên chúng tôi luôn cố gắng để chăm sóc các bé tốt nhất”.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh) cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sinh non được phân loại theo tuổi thai là những trẻ chào đời khi dưới 37 tuần tuổi thai và được chia thành 4 nhóm: cực non (dưới 28 tuần), rất non (từ 28 đến dưới 32 tuần), non vừa (từ 32 đến dưới 34 tuần) và non muộn (từ 34 đến dưới 37 tuần). Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, số lượng trẻ sinh non vẫn còn nhiều, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nguyên nhân có thể do tình trạng dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai chưa tốt, chế độ ăn uống, sinh hoạt, làm việc chưa hợp lý, không khám thai định kỳ.

Trẻ sinh non được người nhà ấp kangaroo tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).

Nếu được chăm sóc tốt, 90% trẻ sinh non có cơ hội tiếp tục sự sống. Vì vậy, cần có kế hoạch chăm sóc và điều trị để giúp trẻ vượt qua “thử thách” đầu đời này. Tại Khoa Hồi sức cấp cứu nhi – nhi sơ sinh (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), trẻ sinh non sẽ được hỗ trợ về hô hấp, giữ ấm và nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch. Khi tình trạng hô hấp và dinh dưỡng của em bé đảm bảo, các bé sẽ được chuyển qua phòng ủ ấm điều trị kangaroo để tạo sự gắn kết và cảm nhận sự yêu thương của người thân. Sau thời gian điều trị kangaroo, khi em bé có thể tự ăn đường miệng, tự điều chỉnh được nhiệt độ, sự trưởng thành của cơ quan đạt tiêu chuẩn, em bé sẽ được xuất viện. Tuy nhiên sau đó các em vẫn cần được thăm khám liên tục cho đến 7 tuổi nhằm phát hiện, điều trị sớm những căn bệnh dị tật bẩm sinh hay mãn tính như hở van tim, cận thị, trẹo cổ, viêm phổi…

Mỗi em bé sinh non vượt qua bao khó khăn để rời lồng ấp, về với vòng tay bố mẹ là một phép màu, một điều kỳ diệu, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho gia đình. Vui mừng vì được ôm ấp con vào lòng sau bao tháng ngày mong ngóng vì con sinh non, phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt và lồng ấp gần nửa tháng, chị H’Men (trú huyện Ea Kar) bộc bạch: “Con sinh non tháng khi mới được 32 tuần. Khi sinh ra, con chỉ được 1,7 kg. Nhìn con bé xíu, lại sinh non, tôi rất lo lắng vì sợ con không sống được. Đến nay, sau 13 ngày xa con, tôi được các bác sĩ thông báo vào phòng ấp kangaroo. Tôi hạnh phúc lắm, cuối cùng thì mình cũng được gặp con, ôm con vào lòng, cho con tập bú sữa mẹ”.

Mai Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.