Multimedia Đọc Báo in

Lương y chuyên trị rắn cắn

04:09, 05/03/2023

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm”, lương y Phạm Duy (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) vẫn mang hết tài sức giúp người. Ông nổi tiếng với những bài thuốc trị rắn cắn.

Năm 1985, ông Phạm Duy đưa gia đình vào lập nghiệp tại xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn). Nơi quê hương mới, điều kiện sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Đặc biệt là ở vùng rừng núi, cây cối um tùm, rậm rạp nên rắn, rết nhiều vô kể; tình trạng người dân bị rắn độc cắn, phun nọc vào mắt hay bị các loại rết, nhện, bọ cạp đốt diễn ra thường xuyên. Xuất thân trong gia đình làm nghề thuốc gia truyền, ông Phạm Duy có nhiều kiến thức về y học cổ truyền, đặc biệt là được cha truyền cho các bài thuốc trị rắn cắn rất hiệu nghiệm nên ông quyết định đem kiến thức ra cứu người. Trong 37 năm qua, ông đã chữa thành công cho hơn 1.000 nạn nhân bị rắn, rết cắn; trong đó có nhiều trường hợp đã rơi vào tình trạng “thập tử nhất sinh”.

Lương y Phạm Duy. Ảnh: Vạn Tiếp

Điển hình như một trường hợp ở buôn K’Đung (xã Ea Nuôl) bị rắn mai gầm cắn, tiên lượng rất xấu bởi đây là loại rắn cực độc, chỉ cần 1,5 gram nọc độc của chúng đủ giết chết một người 60 kg. Nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra, nhờ bài thuốc của lương y Phạm Duy, bệnh nhân này đã được cứu sống. Hay như trường hợp anh Y Bliết (ở buôn Ky, phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) bị rắn mổ vào trán, mắt không mở được, không ngủ được, nước mắt cứ trào ra, rất ngứa và đau nhức. Lương y Phạm Duy điều trị trong 4 ngày thì sức khỏe Y Bliết trở lại bình thường. Cháu Y Bi (ở buôn Niêng 2, xã Ea Nuôl) bị rắn cắn gây thương tích ở chân, sau đó nọc lan lên não khiến cháu gần như phát điên; được bác Phạm Duy chữa trong 8 ngày thì lành bệnh khiến gia đình Y Bi phải thốt lên: “Như một phép màu”.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều người ở các huyện khác trong tỉnh và ngoài tỉnh cũng tìm đến lương y Phạm Duy chữa trị. Như anh A Thi (ở Kon Tum) bị rắn phun nọc vào mắt, nằm bệnh viện suốt 7 tháng nhưng không mở được mắt. Người nhà tìm được địa chỉ của lương y Phạm Duy nên đưa đến chữa trị, sau 4 ngày thì A Thi khỏi, mở được mắt, xem được ti vi. Hay chị Ngát ở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp) bị rắn hổ phì cắn vào chân khi đang cho heo ăn. Chân chị sưng to, tím rịm, gần như hoại tử. Lương y Phạm Duy phải ướp thuốc vào chân và cho thuốc uống, chị mới thoát chết…

Không chỉ chữa trị, ông Duy còn hỗ trợ mua gạo, lương thực thực phẩm giúp đỡ nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo.

Hàng chục năm hành nghề y, mỗi người được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần là động lực giúp lương y Phạm Duy vẫn kiên trì với nghề. Vui mừng hơn nữa khi con gái của ông tiếp bước hành nghề của cha, tiếp nối việc giúp người với những bài thuốc gia truyền chữa trị rắn, rết cắn mà ông truyền lại.

Hòa Mục


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.