Multimedia Đọc Báo in

Dịch bệnh thủy đậu tiếp tục diễn biến phức tạp

08:10, 09/04/2023

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận thêm 2 ổ dịch thủy đậu tại các huyện Ea Kar và M’Drắk với 52 trường hợp; cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 108 trường hợp mắc bệnh.

Tại huyện Ea Kar, trường hợp đầu tiên được phát hiện mắc bệnh thủy đậu là bệnh nhi 6 tuổi ở buôn Ea Kõ, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar). Những ngày sau đó, tiếp tục ghi nhận thêm 16 trường hợp mắc bệnh trong cùng một lớp học tại Trường Mầm non Ngọc Lan. Cùng thời điểm đó, tại thôn 8, thị trấn Ea Kar cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc thủy đậu. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều chưa tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Ea Kar cho biết: Ngay sau khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh, TTYT huyện đã nhanh chóng phối hợp với Trạm Y tế thị trấn điều tra, giám sát ca bệnh, tổ chức phun thuốc khử khuẩn, tuyên truyền, hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh thực hiện các biện pháp chăm sóc, điều trị các ca đã mắc bệnh và biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng. Đến nay, các trường hợp mắc bệnh trên địa bàn đều đã ổn định.

Cán bộ y tế kiểm tra tình hình sức khỏe trẻ bị thủy đậu tại thôn 9, xã Cư Króa.

Còn tại huyện M’Drắk, dịch bệnh thủy đậu đã xuất hiện và bùng phát thành ổ dịch ở thôn 9, xã Cư Króa tại 2 điểm Trường Mẫu giáo Hoa Sim và Tiểu học Lê Quý Đôn với 30 ca bệnh là học sinh và 3 ca người nhà học sinh. Chị Nguyễn Thị Vinh, nhân viên y tế Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thôn 9, xã Cư Króa) cho hay: Trường hiện có 8 lớp với 199 học sinh, trong đó 100% học sinh đều là người dân tộc Mông. Ngày 29/3, tại trường ghi nhận học sinh mắc bệnh thủy đậu, sau đó bệnh nhanh chóng lan rộng và tới nay đã có 25 học sinh mắc bệnh. Trước tình hình đó, nhà trường đã nhanh chóng báo cho Trạm Y tế xã, đồng thời cách ly các trường hợp mắc bệnh, tiến hành xử lý, phun hóa chất khử khuẩn, vệ sinh vật dụng, đồ chơi và hướng dẫn học sinh thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Ngay khi trên địa bàn huyện ghi nhận các trường hợp mắc bệnh thủy đậu, Trung tâm Y tế huyện M’rắk phối hợp với Trạm Y tế xã đã thực hiện điều tra, giám sát tại các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh, các trường học và khu vực ổ dịch, nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Tiến hành cách ly và quản lý kịp thời ca bệnh, không để dịch bệnh lây lan, kéo dài. Tổ chức vệ sinh môi trường, phun Chloramin B khử khuẩn trong nhà và khu vực xung quanh nơi ghi nhận ca bệnh, các lớp học, trường học, khu vực ổ dịch. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng, chống bệnh thủy đậu như: giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ăn chín uống sôi, thông thoáng nhà cửa, hạn chế tiếp xúc và tập trung đông người tại khu vực ổ dịch. Cán bộ y tế cũng tiến hành rà soát tình hình tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu của người dân tại khu vực phát sinh ổ dịch và vận động người dân chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho bản thân và người nhà.

Để phòng bệnh thủy đậu, học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (thôn 9, xã Cư Króa) được hướng dẫn thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Để khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, CDC Đắk Lắk đã nhanh chóng phối hợp với TTYT các địa phương điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc CDC Đắk Lắk cho biết: Bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào các tháng mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua đường hô hấp như sởi, adeno vi rút, sốt xuất huyết, tay chân miệng... cũng có thể gia tăng. Vì vậy, ngành y tế các địa phương cần theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh thủy đậu trên địa bàn; tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học, hướng dẫn các trường kịp thời phát hiện, cách ly, xử lý khi có ca bệnh, tránh trường hợp để dịch bệnh lây lan. Đồng thời, cập nhật hằng ngày về diễn biến dịch bệnh tại ổ dịch; tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh thủy đậu tại cộng đồng và lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao (có tiếp xúc với người mắc thuỷ đậu, người sống cùng nhà với bệnh nhân mắc thủy đậu).

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.