Nhận biết sớm bệnh lao ngoài phổi
Lao là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao (tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis) gây ra.
Nói đến bệnh lao, thông thường mọi người sẽ nghĩ đến lao phổi mà không biết rằng còn có bệnh lao ngoài phổi, một thể bệnh lao khác. Vì ít phổ biến, không nhiều người biết nên bệnh lao ngoài phổi dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, khiến bệnh nhân không sớm được điều trị đúng phác đồ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Bệnh lao được phân làm hai loại: lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi là khi bệnh lao tổn thương ở phổi – phế quản, là thể lao phổ biến nhất (chiếm 80 – 85% tổng số ca bệnh). Lao ngoài phổi là bệnh lao tổn thương ở các cơ quan ngoài phổi như: màng phổi, hạch, màng bụng, sinh dục, tiết niệu, da, xương, khớp, màng não, màng tim…
Theo báo cáo của Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, các thể bệnh lao ngoài phổi thường gặp là tràn dịch màng phổi do lao, lao hạch, lao màng não, lao cơ – xương – khớp. Năm 2021, bệnh viện đã điều trị cho 174 trường hợp mắc bệnh lao ngoài phổi, chiếm tỷ lệ 25% tổng số bệnh nhân lao; năm 2022 có 213 trường hợp, chiếm tỷ lệ 23%. Như vậy, trung bình cứ 10 bệnh nhân lao thì có từ 2 - 3 bệnh nhân mắc lao ngoài phổi. Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngoài các triệu chứng chung thì bệnh lao ngoài phổi còn có các biểu hiện dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, điển hình nhất là lao cơ - xương – khớp. Nhiều trường hợp bệnh nhân nghĩ mình bị bệnh xương khớp thông thường nên chủ quan không đi khám, đến khi xác định đúng bệnh thì bệnh đã ở giai đoạn nặng, khó điều trị.
Bác sĩ Rmah Lương khám bệnh cho bệnh nhân mắc lao hạch. Ảnh: Đình Thi |
Trường hợp của bà Lý Thị Đ. (66 tuổi, ở huyện Ea Kar) là một ví dụ. Bà Đ. bị đau khớp gối vài năm nay nhưng vì chủ quan cho rằng xương khớp là bệnh thường gặp của tuổi già nên không quan tâm đến việc đi chữa trị. Sau Tết Nguyên đán 2023, bà Đ. bị đau dữ dội phải nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ khám và chỉ định chuyển tuyến lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, bà được chẩn đoán là mắc bệnh lao cơ – xương – khớp và được tư vấn về chữa trị tại địa phương. Bà Đ. điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk đã được gần 1 tháng nhưng vì nhập viện muộn, tổn thương ở khớp đã khá nặng nên sức khỏe chậm cải thiện, đầu gối sưng to, không thể đi lại được.
Một trường hợp mắc lao ngoài phổi khác là chị Ô Mi (28 tuổi, ở huyện Krông Pắc). Cách đây 3 tháng, đang làm công nhân may mặc ở tỉnh Bình Dương, chị Ô Mi thấy cổ nổi một cục hạch, không đau nhưng người hay mệt mỏi và thường sốt nhẹ về chiều. Chị đến Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh khám và được chẩn đoán là bị lao hạch. Sau 3 tuần điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, đến nay sức khỏe của chị đã cải thiện rất nhiều.
Theo bác sĩ Rmah Lương, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi tỉnh Đắk Lắk, cả bệnh lao ngoài phổi và lao phổi đều có cùng nguyên nhân là do vi khuẩn lao gây ra, cùng triệu chứng ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu). Ngoài ra có thể có các biểu hiện như: Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở. Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. “Bệnh lao ngoài phổi đa phần là từ lao phổi mà ra. Ban đầu bệnh nhân bị lao phổi nhưng không điều trị hoặc điều trị quá muộn dẫn đến việc vi khuẩn lao theo đường máu đi khu trú tại các cơ quan khác, trong đó, cơ quan nào có yếu tố thuận lợi nhất thì vi khuẩn lao sẽ khu trú tại đó và gây tổn thương. Do vậy nếu bệnh nhân có biểu hiện ho kéo dài, khạc đờm thì cơ sở y tế các tuyến nên chụp phim X-quang. Nếu bệnh nhân bị bệnh xương khớp điều trị một thời gian dài không khỏi thì cần nghĩ đến lao xương để chỉ định làm các xét nghiệm kịp thời”, bác sĩ Rmah Lương lưu ý.
Bệnh lao phổi và lao ngoài phổi nếu được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời và tuân thủ đúng phác đồ điều trị thì tỷ lệ chữa khỏi hoàn toàn rất cao, trên 90%. Ngược lại, nếu phát hiện, điều trị muộn thì hậu quả để lại rất nặng nề, nhất là thể lao cột sống và lao màng não. Bệnh nhân có thể bị sụp cột sống, gây liệt hoặc không đi lại được. Lao màng não có thể khiến bệnh nhân bị rối loạn tâm thần nhẹ, nặng hơn thì có thể bị động kinh, tâm thần phân liệt.
Để dự phòng căn bệnh này, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, phương pháp đặc hiệu nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh lao (BCG) cho trẻ trong vòng 1 tháng đầu sau sinh. Tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện ho, khạc đờm. Đặc biệt, khi có các biểu hiện của bệnh lao thì cần đi khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc