Multimedia Đọc Báo in

Biết “lắng nghe cơ thể” để chạy bộ an toàn

05:34, 29/09/2024

Tại Việt Nam, những năm gần đây phong trào chạy bộ phát triển rất mạnh; các giải chạy hầu như được tổ chức khắp các địa phương, từ phố thị đến làng quê, từ phong trào đến chuyên nghiệp.

Dù được xem là môn thể thao… quốc dân bởi mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, mọi đối tượng, mọi lứa tuổi đều có thể tham gia chạy bộ song người chạy bộ vẫn có thể gặp sự cố về sức khỏe nếu không biết lắng nghe cơ thể!

Tinh thần thể dục thể thao lên cao là điều đáng trân trọng, nhưng bất chấp nguy cơ sức khỏe bản thân để tập luyện không phải là điều cần khuyến khích. Chính ban tổ chức các giải chạy bộ hiểu điều này hơn ai hết. Chính vì vậy, hầu như ban tổ chức giải chạy nào cũng yêu cầu vận động viên phải kiểm tra kỹ sức khỏe của mình và ký cam kết tự chịu trách nhiệm – “miễn trừ” – nếu xảy ra sự cố khi tham gia giải.

Cộng đồng mạng, dư luận mới đây đã có những ý kiến tranh luận gay gắt, trái chiều chung quanh việc một nữ vận động viên đang mang thai tuần thứ 29 vẫn tham gia chạy bộ cự ly 5 km tại một giải chạy vừa diễn ra tại Hạ Long, Quảng Ninh. Ngoài những lời động viên, tán thưởng về tinh thần thể thao của nữ vận động viên thì rất nhiều ý kiến chỉ trích thai phụ quá xem thường sức khỏe của cả hai mẹ con, bởi chạy bộ trong hoàn cảnh ấy thật nguy hiểm; một số ý kiến còn phê bình ban tổ chức quá mạo hiểm khi để thai phụ này tham gia giải chạy.

Đông đảo vận động viên tham gia Giải Dak Lak Marathon 2024. Ảnh: DLM

Những lo lắng và chỉ trích của dư luận về các vận động viên bất chấp thể trạng, sức khỏe của bản thân tham gia bằng được các giải chạy bộ không phải không có cơ sở. Bởi đã từng xảy ra nhiều trường hợp vận động viên gặp sự cố sức khỏe trên đường chạy, thậm chí có người tử vong. Trong hai năm gần đây đã có 2 vận động viên tử vong khi tham gia giải chạy: Tại cuộc thi Marathon Quy Nhơn 2022 một vận động viên bị ngất xỉu và không qua khỏi; tháng 3/2024 vừa qua, tại Giải Vietnam Ultra Marathon Hòa Bình 2024, một người khác cũng gặp sự cố về sức khỏe trên đường chạy, dù được cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong tại bệnh viện.

Mới đây thôi, hồi cuối tháng 7/2024, hai vận động viên khi tham gia giải chạy “Quang Binh International Marathon 2024” tại TP. Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) cũng đã phải nhập viện cấp cứu. Sau một thời gian điều trị, cả hai đã được xuất viện, tuy nhiên sự cố này tiếp tục gióng lên những hồi chuông cảnh báo, nhất là trong công tác tổ chức, lẫn trách nhiệm của vận động viên với chính sức khỏe của bản thân.

PGS.TS. bác sĩ Hoàng Anh Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Trưởng Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế chia sẻ: Ở các vận động viên chạy bộ rất dễ xảy ra “Hội chứng tim vận động viên”. Hội chứng này có thể xảy ra với những trường hợp như: luyện tập kéo dài, luyện tập cường độ cao, các rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp tim tức là nhịp tim có thể là quá nhanh hoặc quá chậm dẫn tới trường hợp ngất hoặc là đột quỵ trong quá trình vận động viên tập luyện, thi đấu. “Điều quan trọng là vận động viên phải tự mình đánh giá tình trạng sức khỏe trước khi tham gia. Ban tổ chức cũng phải theo dõi sát và nhận diện sớm để có phương án xử lý kịp thời nếu có sự cố”, PGS.TS. bác sĩ Hoàng Anh Tiến khuyến cáo.

Hỗ trợ tiếp nước, bàn y tế, bố trí săn sóc viên theo sát vận động viên để kịp thời hỗ trợ khi có sự cố là những khâu cần có của các giải chạy bộ.

Là một vận động viên, đồng thời là người tổ chức nhiều giải chạy bộ, ông Nguyễn Đình Anh Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển 75Group cho rằng, rủi ro trong tổ chức chạy bộ thì rất nhiều vì số lượng đông người, nhiều lứa tuổi và giới tính, sức khỏe thì không ai như nhau. “Có giải chạy bộ chúng tôi từng tổ chức như giải Jogging 5 số lượng lên đến 12.500 vận động viên. Giải pháp thì vẫn có nhưng không thể bảo đảm 100% mà chỉ hạn chế đến mức thấp nhất có thể”, ông Khoa cho hay.

Theo ông Khoa, để bảo vệ sức khỏe các vận động viên, ban tổ chức thường bố trí nhiều điểm tiếp nước, bổ sung nước điện giải, bố trí nhân viên y tế, cộng tác viên y tế; bố trí xe 115 đi cuối đoàn kèm xe điện để hỗ trợ những người đã mệt hoặc chấn thương; bố trí các điểm COT (Cut off time - thời hạn cuối cùng vận động viên vượt qua) cho các chặng đường; khuyến cáo người chạy nên đeo đồng hồ thông minh để nắm nhịp tim của mình điều phối sức khỏe theo thực tế... “Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là hãy lắng nghe sức khỏe của bạn. Đấy là điều đầu tiên ban tổ chức chúng tôi luôn truyền thông đến vận động viên, cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên. Khi mệt thì chính bạn là người biết rõ nhất, nên chạy hay nên dừng”, ông Khoa nhấn mạnh.

Đình Toàn


Ý kiến bạn đọc