Multimedia Đọc Báo in

Cần hiểu đúng về bệnh “khuẩn ăn thịt người”

05:57, 22/09/2024

Whitmore là một loại bệnh do bệnh nhân nhiễm một vi trùng hiếm gặp, làm tổn thương, thoái hóa tổ chức, gây ra những mảng sần sùi, loang lổ màu đen, trắng hoặc đỏ… vì thịt bị thối rữa, do đó còn gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”.

Tại tỉnh Đắk Lắk, trong 8 tháng đầu năm có ba trường hợp mắc bệnh whitmore và cả ba trường hợp này đều được chữa trị thành công.

Mới đây nhất là trường hợp bệnh nhân N.V.T. (59 tuổi, ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn) bị bệnh whitmore. Đây là ca bệnh nặng, nhiễm vi khuẩn rất khó điều trị, có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng huyết nghi nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei trên nền viêm phổi, đái tháo đường, viêm khớp ức đòn, tăng huyết áp.

Sau 21 ngày điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và được xuất viện vào ngày 15/8/2024.

Trường hợp mắc bệnh whitmore được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đình Thi

Theo bác sĩ Phạm Hồng Lâm, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), vi khuẩn burkholderia pseudomallei sống trong đất và trong nước. Do vậy, con đường lây nhiễm chính của bệnh là qua tiếp xúc các vết trầy xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Vi khuẩn gây bệnh không lây từ người sang người hoặc từ động vật sang người nên không gây thành dịch.

 

Cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng.

Thông thường, những người mắc bệnh làm các công việc thường xuyên tiếp xúc với bùn đất, nước... Bệnh không loại trừ độ tuổi, giới tính; những người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận, bệnh phổi, suy giảm miễn dịch… dễ mắc bệnh này hơn. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, bao gồm: sốt, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng không triệu chứng, đau nhức các cơ khớp, xuất hiện những ổ áp xe dưới da và tại nhiều vị trí trên cơ thể nên dễ chẩn đoán nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết...

Trước đây bệnh whitmore rất khó phát hiện, nhưng hiện nay nhờ có nhiều bác sĩ giàu kinh nghiệm và áp dụng sinh học phân tử, nuôi cấy vi sinh nên việc chẩn đoán bệnh nhanh, chính xác hơn.

Bác sĩ Lâm cho biết: Những bệnh nhân bị whitmore phải được khẳng định chẩn đoán bằng xét nghiệm. Nhiễm trùng ở đâu xét nghiệm ở đó. Các bác sĩ sẽ lấy dịch, mủ tại chỗ viêm nhiễm hoặc máu các chỗ nhiễm nuôi cấy để tìm vi khuẩn.

Tóm lại, ở một bệnh cảnh lâm sàng nếu có tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng nề và kéo dài hoặc một ổ áp xe tái đi tái lại nhiều lần kéo dài thì cần nghĩ đến bệnh whitmore và đưa bệnh nhân đến bệnh viện sớm để xét nghiệm, chẩn đoán.

Ngay cả khi bệnh nhân được khẳng định chẩn đoán, việc điều trị cũng rất khó khăn. Bệnh nhân phải dùng kháng sinh liều cao tấn công đường tĩnh mạch, kéo dài liên tục ít nhất 2 tuần trở lên và về lâu dài, bệnh này có thể ẩn ở trong các tạng sâu bên trong gây các ổ áp xe nhỏ, kháng sinh không thể vào sâu để diệt được vi khuẩn nên có thể có tái phát. Do vậy, sau khi đã điều trị thành công tại bệnh viện, người bệnh vẫn cần tuân thủ phác đồ điều trị của các bác sĩ ngoại trú từ 3 - 6 tháng.

Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch để phòng bệnh whitmore. Ảnh: Bảo Trọng

Để hạn chế thấp nhất tình trạng nhiễm vi khuẩn burkholderia pseudomallei gây bệnh whitmore, mọi người cần bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, đi vệ sinh, làm ruộng, trước khi ăn.

Cần ăn chín, uống nước đun sôi để nguội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm; nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch bảo đảm vệ sinh; những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch … cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Đặc biệt, khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.