Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn tăng cường phòng dịch tại các công sở

08:29, 06/08/2021

Trước diễn biến khó lường của dịch COVID-19, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch ngay tại công sở.

Các cơ quan, đơn vị tại huyện Buôn Đôn đều đề ra quy định nghiêm ngặt việc ra vào cơ quan và áp dụng các biện pháp phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh tại trụ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và khách đến liên hệ công tác. Trước cổng trụ sở đều bố trí các biển thông báo các quy định phòng, chống dịch và bố trí nước rửa tay sát khuẩn để mọi người sát khuẩn trước khi vào cơ quan, công sở. Mọi cán bộ, nhân viên khi đến bộ phận làm việc đều phải tuân thủ nghiêm quy tắc "5K".

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Buôn Đôn, mỗi ngày có hàng chục người đến giao dịch, thực hiện các thủ tục hành chính. Do vậy, những ngày vừa qua, huyện đã kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để vừa đảm bảo công tác phòng dịch vừa thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Khách hàng khai báo thông tin và được đo thân nhiệt trước khi vào Agribank chi nhánh huyện Buôn Đôn.

Theo đó, ngay trước khu vực làm các thủ tục hành chính, Văn phòng HĐND - UBND huyện phối hợp với Huyện Đoàn Buôn Đôn bố trí bàn, máy đo thân nhiệt, nước rửa tay sát khuẩn, phân công hai đoàn viên thanh niên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn và đo thân nhiệt cho những người vào làm thủ tục hành chính; phân luồng, không để tập trung đông người và nhiều người cùng lúc vào khu vực thực hiện các thủ tục hành chính.

Ông Trần Minh Trình, Phó Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Buôn Đôn, Tổ trưởng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả huyện Buôn Đôn cho biết: “Trong quá trình làm việc, chúng tôi đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân hạn chế thực hiện thủ tục hành chính trực tiếp, tăng cường nộp hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến và nhận kết quả hồ sơ qua dịch vụ bưu chính công ích; yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả thực hiện đầy đủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19”.

Ngân hàng NN-PTNT Việt Nam (Agribank) chi nhánh huyện Buôn Đôn, mỗi ngày luôn có từ 60 - 100 người đến thực hiện các giao dịch. Ông Lê Vũ Nam, Giám đốc Agribank chi nhánh Buôn Đôn cho hay: “Công tác phòng, chống dịch COVID-19 luôn được đơn vị coi là nhiệm vụ trọng tâm với mục tiêu không làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh. Đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc từ trụ sở chính tại Trung tâm huyện và hai phòng giao dịch tại các xã Tân Hòa và Ea Bar; quán triệt, động viên toàn thể cán bộ, người lao động chấp hành nghiêm túc đầy đủ và triệt để các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng”.

Huyện Buôn Đôn bố trí lực lượng trước Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để hỗ trợ công tác phòng dịch COVID-19.

Theo đó, khách hàng trước khi vào thực hiện các giao dịch được kiểm tra thân nhiệt và phải khai báo các thông tin như: họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày, giờ đến giao dịch. Cán bộ Agribank chi nhánh huyện Buôn Đôn được trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ y tế, kính chống giọt bắn, găng tay, dung dịch sát khuẩn… để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng ở mức cao nhất khi giao tiếp. Các phòng giao dịch duy trì khử khuẩn trụ sở làm việc, xe vận chuyển tiền 2 lần/tuần; lau vách kính và bàn quầy giao dịch, cây ATM bằng dung dịch sát khuẩn ngay sau giờ làm việc buổi trưa và chiều.

Tại xã Ea Wer, là địa bàn có các trường hợp dương tính với COVID-19, xã đã bố trí các bồn rửa tay, nước sát khuẩn tại khu vực trước trụ sở; trang bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn cho cán bộ, công chức làm việc; hướng dẫn, tuyên truyền nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi đến thực hiện các thủ tục, liên hệ công việc…

Quốc An


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.