Multimedia Đọc Báo in

Huyện Lắk sẵn sàng phương án sắp xếp khu cách ly tập trung dự phòng

08:30, 30/08/2021

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc trả lại các cơ sở trường học đã được trưng dụng làm các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19, huyện Lắk đã chủ động và kịp thời lên phương án tìm nơi dự phòng thay thế các điểm trường học.

Kịp thời bàn giao cơ sở vật chất cho ngành giáo dục

Trong làn sóng dịch COVID-19 xuất hiện, huyện Lắk đã kích hoạt tổng cộng 21 khu cách ly, gồm 3 khu cách ly tập trung cấp huyện và 18 khu cách ly cấp xã, trong đó, hầu hết đều mượn cơ sở vật chất của các trường học. Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Lắk và các xã, thị trấn đã và đang hoàn tất việc bàn giao cơ sở trường học cho ngành giáo dục.

Tính đến thời điểm này, huyện Lắk có gần 2.000 trường hợp trở về từ các vùng dịch, phần lớn đã hoàn thành việc cách ly tại nhà và tại các khu cách ly tập trung cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, để dự phòng trường hợp trong thời gian tới tình hình dịch diễn biến phức tạp, hoặc tăng lượng công dân từ các vùng dịch trở về, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn lên phương án huy động các tổ chức đoàn thể dọn dẹp nhà văn hóa cộng đồng, hoặc trường học trước đó không sử dụng để sắp xếp những đồ dùng, vật dụng cần thiết nhằm tái khởi động khu cách ly.

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Lắk cho biết, đến ngày 25-8, ngành giáo dục huyện đã tiếp nhận lại toàn bộ điểm trường mà các xã, thị trấn mượn để trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch từ cuối tháng 7; đã lên các phương án, sẵn sàng cho kế hoạch đầu năm học mới 2021 – 2022.

Ông Lê Ngọc Nguyên sắp xếp lại vật dụng trong phòng nghỉ sẵn sàng đón nhận công dân về cách ly tập trung tại khu nghỉ dưỡng của gia đình.

Dành khu nghỉ dưỡng làm khu cách ly miễn phí

Khi hay thông tin việc phải hoàn trả các khu cách ly tập trung về cho ngành giáo dục để chuẩn bị năm học mới, ông Lê Ngọc Nguyên (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã tự nguyện cho huyện mượn toàn bộ khu nghỉ dưỡng của gia đình để làm khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19. Thực hiện hướng dẫn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện, ngày 24-8, Huyện Đoàn Lắk đã huy động đoàn viên, thanh niên đến đây dọn dẹp, sắp xếp lại vật dụng.

Cùng phụ giúp với các bạn trẻ, ông Nguyên chia sẻ, khu đất này rộng hơn 6.000 m2, được vợ chồng con gái đầu của ông mua cách đây mấy năm để làm dịch vụ nghỉ dưỡng, phục vụ khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Gần 2 năm nay ông từ TP. Buôn Ma Thuột chuyển xuống đây ở và quản lý nhà cửa, vườn tược. Khi địa phương đặt vấn đề cần một nơi để trưng dụng làm khu cách ly tập trung, ông đã trao đổi với con và được các thành viên trong gia đình đồng ý.

Khu nghỉ dưỡng có sức chứa khoảng 60 - 70 người, hệ thống điện, nước, giường nằm đầy đủ. Đặc biệt, ông Nguyên sẵn sàng cho địa phương mượn sử dụng tạm thời các vật dụng như tủ lạnh, ti vi để phục vụ công dân khi đến đây cách ly.

Đoàn viên, thanh niên huyện Lắk sắp xếp lại đồ dùng, vật dụng tại khu nghỉ dưỡng của gia đình ông Lê Ngọc Nguyên chuẩn bị trưng dụng làm khu cách ly tập trung cấp huyện.

Được biết, không chỉ cho địa phương mượn cả khu nghỉ dưỡng để trưng dụng cách ly tập trung phòng, chống dịch đợt này, trước đó gia đình ông Nguyên, đặc biệt là công ty do con rể và con gái ông quản lý đóng ở TP. Buôn Ma Thuột đã tổ chức nhiều hoạt động từ thiện hướng về người dân vùng dịch, vùng phong tỏa và các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Anh Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Lắk cho biết, trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư này, huyện Lắk ghi nhận 12 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 5 trường hợp đã khỏi bệnh trở về nơi cư trú, còn 7 trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện. Liên quan đến các ca bệnh trên địa bàn, toàn huyện có 11 điểm, khu dân cư bị phong tỏa, cách ly y tế. Đến sáng 26-8, tất cả các điểm phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn huyện đều đã được dỡ bỏ. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Lắk đã qua 14 ngày không phát sinh ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn..

Kim Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.