Multimedia Đọc Báo in

Thích ứng an toàn để bình thường mới: Vẫn còn những khó khăn

08:41, 26/10/2021

Là một trong những địa phương của tỉnh thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, tuy nhiên để thực hiện thích ứng an toàn, chuyển sang trạng thái bình thường mới theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ về quy định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, huyện Krông Pắc vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.

Tỷ lệ tiêm chủng còn thấp

Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, từ ngày 27-4-2021 đến nay trên địa bàn huyện đã ghi nhận 175 ca mắc.

Nhằm chủ động ứng phó, hạn chế ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp, bước đầu mang lại kết quả tích cực.

Cùng với tiếp tục kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác phòng, chống dịch, huyện chú trọng việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để xử lý linh hoạt, duy trì sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc an toàn, hiệu quả.

Bí thư Huyện ủy Krông Pắc Trần Hồng Tiến cùng đoàn công tác của huyện đi thăm và trao túi an sinh cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Tuy nhiên, theo bà Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, Krông Pắc là địa phương có dân số đông với trên 225 nghìn dân, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ người trên 18 tuổi được tiêm chủng còn thấp (mũi 1 là 39.103 người; mũi 2 là 8.643 người).

Tại Hội nghị chuyên đề của Ban Thường vụ Huyện ủy được tổ chức vào chiều 22-10, Chủ tịch UBND huyện Đinh Xuân Diệu cho biết, bên cạnh tiếp tục phát huy nguồn lực 4 tại chỗ với nhiều biện pháp tích cực, hiệu quả trong thời gian qua, chính quyền địa phương cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh quan tâm hơn nữa đến công tác phân bổ vắc xin, chú ý ưu tiên cho các buôn đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời hỗ trợ công cụ test nhanh, đồ bảo hộ… phục vụ cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Áp lực an sinh xã hội

 

“Để sớm thích ứng an toàn trong điều kiện bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, huyện Krông Pắc đề nghị tỉnh sớm ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện phân bổ vắc xin cũng như chỉ đạo các ngành liên quan có chính sách phù hợp trong giải quyết việc làm, hỗ trợ kịp thời lao động gặp khó khăn vì dịch bệnh”.

 
Bí thư Huyện ủy Trần Hồng Tiến

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong số 126.242 người trở về từ vùng dịch ở các tỉnh phía Nam trên toàn tỉnh (từ ngày 27-4 đến 22-10), huyện Krông Pắc chiếm số lượng cao nhất với 31.623 người.

Với việc xác định đúng các nguy cơ và kịp thời triển khai hiệu quả các phương án, trong đó phát huy các nguồn lực tại chỗ, huyện Krông Pắc cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Tuy nhiên, lượng người trở về từ các vùng dịch quá lớn khiến địa phương chịu nhiều áp lực, thứ nhất là nguy cơ dịch có thể xảy ra, bùng phát bất kỳ thời điểm nào; thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND huyện Đinh Xuân Diệu cho biết, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội được chính quyền địa phương các cấp đặc biệt quan tâm.

Ngay từ đầu đợt dịch bùng phát, UBND huyện đã chủ động mua 5 tấn gạo cùng nhu yếu phẩm các loại để hỗ trợ khẩn cấp cho 1.158 hộ dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Sau khi tiếp nhận gần 63,7 tấn gạo từ Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên (ngày 23-8), UBND huyện đã phân bổ về 15 xã, thị trấn, thực hiện cấp phát cho 1.244 hộ, với 4.245 nhân khẩu.

Từ nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng, các tổ chức, đoàn thể đã triển khai hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho hộ nghèo, khó khăn trong khu vực phong tỏa, vùng dịch ở TP. Hồ Chí Minh…

Khi làn sóng người từ vùng dịch trở về địa phương xuất hiện, cao điểm là đợt ngày 30-9, thời điểm các tỉnh phía Nam nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số lượng người về có ngày lên đến hàng nghìn người.

Để bảo đảm cuộc sống của người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, trong những ngày đầu tháng 10, huyện đã trao hơn 1.000 "Túi quà an sinh" cho hơn 1.000 hộ với 1.480 khẩu tại các xã: Tân Tiến, Ea Kênh, Ea Yông, Hòa An, Hòa Tiến, Ea Hiu, Vụ Bổn, Ea Kly, Krông Búk, Ea Kuăng, Ea Phê, Ea Yiêng, Ea Uy. Mỗi túi an sinh bao gồm: dầu ăn, nước mắm, muối…

Riêng gạo, huyện Krông Pắc trao theo hình thức mỗi người dân 5 kg gạo để bà con có đủ cơm ăn trong thời gian cách ly. Tổng kinh phí thực hiện chương trình gần 300 triệu đồng.

Gia đình có người trở về từ vùng dịch đang thực hiện cách ly y tế tại nhà nhận túi an sinh - xã hội.

Tuy nhiên, dù huy động mọi nguồn lực, thì áp lực an sinh xã hội tại địa phương vẫn hiện hữu. Sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội chỉ giải quyết một phần rất nhỏ những khó khăn trước mắt, tạm thời; còn lâu dài mà người dân phải đối mặt chính là vấn đề thiếu việc làm và ổn định sinh kế sau dịch bệnh.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.