Multimedia Đọc Báo in

Bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh

07:07, 01/12/2021

Ngày 30/11, các địa phương trên toàn tỉnh đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh từ 15 - 17 tuổi. Công tác tiêm chủng được ngành y tế triển khai đảm bảo quy trình, quy định tiêm chủng và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Tổ chức tiêm an toàn, đúng tiến độ

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trịnh Quang Trí, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, để chuẩn bị chu đáo cho công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với học sinh, ngành y tế đã bố trí nhân lực đảm bảo tiến độ và phù hợp với tình hình dịch bệnh ở các địa phương.

Đồng thời bố trí lực lượng theo dõi phản ứng sau tiêm và xe cấp cứu thường trực để xử trí kịp thời những trường hợp phản ứng sau tiêm. Hoạt động tiêm vắc xin được triển khai ngay tại các trường học theo khối, lớp để đảm bảo giãn cách trong quá trình tiêm và thuận tiện quản lý, theo dõi học sinh sau tiêm.

 

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Ghi nhận tại Trường THPT Chu Văn An (TP. Buôn Ma Thuột) cho thấy, trong ngày đầu tiên triển khai tiêm chủng, nhà trường đã chuẩn bị rất chu đáo để quá trình tiêm diễn ra an toàn, thuận lợi và nhanh chóng.

Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An Huỳnh Thị Kim Huệ cho biết, sau khi có chỉ đạo từ Sở Giáo dục - Đào tạo, nhà trường đã tuyên truyền đến  học sinh và phụ huynh. Đồng thời phối hợp với y tế địa phương tổ chức công tác tiêm chủng, bố trí khu vực tiêm đảm bảo giãn cách, lối đi riêng biệt theo nguyên tắc một chiều, chuẩn bị thuốc hạ sốt, vitamin C để phát cho học sinh.

 

Toàn tỉnh hiện có khoảng 192.000 học sinh độ tuổi từ 12 - 17, trong đó có trên 64.000 học sinh THPT và giáo dục nghề nghiệp, trên 128.000 học sinh THCS. Theo kế hoạch, sau khi hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh THPT và giáo dục nghề nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai tiêm vắc xin cho học sinh cấp THCS.

Để tránh tập trung đông người và không mất nhiều thời gian, nhà trường chia học sinh theo 3 khối lớp và hẹn lịch tiêm theo từng khung giờ khác nhau, đồng thời phát phiếu tiêm chủng từ trước và điền sẵn thông tin tại nhà.

Quá trình tiêm chủng, nhà trường đã huy động 40 giáo viên chủ nhiệm, lực lượng đoàn thanh niên, bảo vệ của trường có mặt để hỗ trợ quản lý, theo dõi học sinh của lớp mình trước và sau tiêm. Trong số 1.680 học sinh của nhà trường, hiện có một số học sinh thuộc diện F0, F1 và chưa bảo đảm sức khỏe để tiêm trong đợt này, nhà trường đã lập danh sách các em để báo cho lực lượng y tế có kế hoạch tiêm bổ sung kịp thời.

Còn tại Trường THPT Buôn Ma Thuột (TP. Buôn Ma Thuột), để bảo đảm an toàn tiêm chủng cho học sinh, nhà trường đã phối hợp với y tế địa phương xây dựng kế hoạch tiêm vắc xin mũi 1 cho 1.750 học sinh của trường trong hai ngày (30/11 và 1/12) và tiêm theo khung giờ.

Hiệu trưởng Trường THPT Buôn Ma Thuột Lê Văn Thái chia sẻ, nhà trường đã tiến hành quét dọn, khử khuẩn khu vực tiêm trước khi tiêm, chuẩn bị khẩu trang, sát khuẩn tay dự phòng cho học sinh. Huy động cán bộ, giáo viên, lực lượng đoàn thanh niên tham gia công tác điều phối học sinh, bảo đảm 5K, không để xảy ra sai sót trong quá trình tiêm chủng. Ngoài ra, trường cũng bố trí một phòng riêng biệt để học sinh ở lại theo dõi sức khỏe sau tiêm. Đồng thời phối hợp với y tế phường sẵn sàng phương án cấp cứu đối học sinh bị sốc phản vệ.

Chưa có trường hợp học sinh bị phản ứng sau tiêm

Mặc dù lịch tiêm vắc xin diễn ra đúng ngày mưa, thời tiết không được thuận lợi nhưng vì lợi ích của con em mình, nhiều phụ huynh đã sắp xếp đưa các em đến trường theo đúng thời gian để tiến hành tiêm vắc xin, đảm bảo nguyên tắc 5K.

Khám sàng lọc cho học sinh Trường THPT Buôn Ma Thuột trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, bắt đầu từ sáng 30/11, trên địa bàn thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 15 - 17 tuổi, cụ thể là học sinh ở 16 trường THPT trên địa bàn thành phố và tại các trạm y tế xã, phường cho các em từ 15 - 17 tuổi nhưng không đi học.

Trung tâm đã làm việc trực tiếp với các trường học, tiến hành thông báo cho từng phụ huynh sắp xếp đưa học sinh tới các điểm tiêm vắc xin theo khung giờ quy định, tránh tập trung đông người.

Đồng thời, Trung tâm cũng thành lập các tổ tiêm lưu động trên địa bàn toàn thành phố, phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn như Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để làm tốt công tác phòng, chống phản ứng sốc khi có các phản ứng sau tiêm xảy ra.

Hiện tại, cho tới thời điểm này, công tác tiêm chủng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn đang tích cực diễn ra và chưa ghi nhận trường hợp nào trẻ bị các phản ứng sau tiêm.

“Thực tế có không ít phụ huynh lo lắng cho vấn đề sức khỏe của con em mình khi tiêm vắc xin, Trung tâm đã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các phụ huynh về vấn đề tiêm vắc xin cho trẻ. Qua đó, đề nghị các phụ huynh phối hợp với ngành y tế tổ chức tốt công tác tiêm chủng vắc xin, theo dõi sức khỏe của con em mình sau khi tiêm để có các xử trí kịp thời nếu có xảy ra các phản ứng sau tiêm nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu” - bác sĩ Võ Minh Hùng nhấn mạnh.

Kim Hoàng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.