Multimedia Đọc Báo in

Hai triệu chứng hậu COVID-19 hay gặp nhất

16:56, 22/03/2022

7/10 bệnh nhân bị chứng COVID-19 kéo dài gặp phải các vấn đề về tập trung và trí nhớ vài tháng sau khi mắc bệnh – theo nghiên cứu mới nhất từ Đại học Cambridge (Anh).

Các nhà khoa học thuộc Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành nghiên cứu trên 181 bệnh nhân gặp chứng COVID-19 kéo dài. Đa số bị COVID-19 ít nhất sáu tháng trước khi nghiên cứu bắt đầu. Rất ít người bị bệnh với COVID-19 đến mức phải nhập viện. 185 người khác không mắc COVID-19 cũng tham gia vào nghiên cứu để so sánh.

Những người tham gia nghiên cứu được tuyển chọn trong khoảng thời gian từ tháng 10/2020 đến tháng 3/2021, khi biến thể Alpha và dạng ban đầu của SARS-CoV-2 đang lưu hành trong dân số.

Trong nghiên cứu, những tình nguyện viên được yêu cầu thực hiện nhiều nhiệm vụ để đánh giá khả năng ra quyết định và trí nhớ của họ. Chúng bao gồm ghi nhớ các từ trong danh sách và nhớ hai hình ảnh nào xuất hiện cùng nhau.

Nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải các vấn đề về tập trung và trí nhớ vài tháng sau khi mắc bệnh.
Nhiều bệnh nhân hậu COVID-19 gặp phải các vấn đề về tập trung và trí nhớ vài tháng sau khi mắc bệnh.

Kết quả, có đến 78% số người từng mắc COVID-19 gặp phải vấn đề khó tập trung, 69% báo cáo bị sương mù não, 68% cho biết hay quên và 60% cho biết có vấn đề trong việc tìm đúng từ trong lời nói. Một mô hình nhất quán về các vấn đề trí nhớ đang diễn ra ở những người đã bị nhiễm COVID-19. Theo đó, khả năng ghi nhớ từ và hình ảnh trong các bài kiểm tra nhận thức của các bệnh nhân gặp chứng hậu COVID-19 thấp hơn đáng kể so với người không mắc bệnh.

Để giúp hiểu nguyên nhân của các vấn đề trên, các nhà nghiên cứu đã tìm các triệu chứng có thể liên quan. Họ phát hiện ra rằng những người bị mệt mỏi và các triệu chứng thần kinh, như chóng mặt và đau đầu, trong thời gian đầu mắc bệnh sẽ có nhiều khả năng có các triệu chứng nhận thức hơn. Những người gặp các triệu chứng thần kinh bị suy giảm trí nhớ và nhận thức trong các bài kiểm tra nhận thức.

Người tham gia nghiên cứu sẽ tiếp tục được theo dõi, sử dụng cả báo cáo triệu chứng và bài kiểm tra nhận thức khách quan, để xem các triệu chứng về nhận thức của họ tồn tại trong bao lâu.

"Đây là bằng chứng quan trọng để biết rằng họ đang gặp khó khăn về nhận thức sau khi mắc COVID-19, không phải là kết quả của lo lắng hoặc trầm cảm" - TS Muzaffer Kaser, một nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm thần và Tư vấn Tâm thần của Đại học Cambridge tại Cambridgeshire và Peterborough NHS Foundation Trust, người tham gia nghiên cứu, cho biết.

Bên cạnh đó, những phát hiện khác cho thấy xã hội sẽ phải đối mặt với một "cái đuôi dài" về bệnh tật của lực lượng lao động do di chứng COVID-19 kéo dài. "Khó khăn về trí nhớ có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày của mọi người, bao gồm cả khả năng thực hiện công việc của họ một cách chính xác" – Tiến sĩ Kaser nhận định.

Điều quan trọng không chỉ vì lợi ích của cá nhân mà còn đối với xã hội, là có thể ngăn ngừa, dự đoán, xác định và điều trị các vấn đề liên quan đến COVID-19 kéo dài.

Tác động của COVID-19 kéo dài đối với dân số lao động có thể rất lớn.
Tác động của COVID-19 kéo dài đối với dân số lao động có thể rất lớn.

Tiến sĩ Lucy Cheke, một nhà nghiên cứu tại Khoa Tâm lý học của Đại học Cambridge và là tác giả cao cấp của nghiên cứu trên, cho biết tác động của COVID-19 kéo dài đối với dân số lao động có thể rất lớn.

"Mọi người nghĩ rằng COVID-19 kéo dài chỉ là sự mệt mỏi hoặc ho, nhưng các vấn đề về nhận thức là triệu chứng hậu COVID-19 phổ biến thứ hai - dữ liệu của chúng tôi cho thấy nó tác động đáng kể đến khả năng ghi nhớ" – Tiến sĩ Cheke cho biết.

Theo Tiến sĩ Kaser, nhiễm virus gây ra COVID-19 có thể dẫn đến viêm trong cơ thể và tình trạng viêm này có thể ảnh hưởng đến hành vi và hoạt động nhận thức theo những cách mà các nhà khoa học vẫn chưa hiểu đầy đủ, nhưng được cho rằng có liên quan đến phản ứng miễn dịch quá mức.

Nghiên cứu trên hiện không có dữ liệu về tác động của COVID-19 kéo dài liên quan đến các biến thể Delta hoặc Omicron. Hiện các nhà khoa học đang tuyển các tình nguyện viên mới nhằm tìm hiểu thêm những tác động phức tạp của COVID-19 lên não, nhận thức và sức khỏe tâm thần của những người bị mắc bệnh.

Nghiên cứu trên cho thấy ngay cả trong số những người không nhập viện, những người có các triệu chứng ban đầu tồi tệ hơn của COVID-19 có nhiều khả năng gặp nhiều triệu chứng liên tục, bao gồm buồn nôn, đau bụng, tức ngực và các vấn đề về hô hấp vài tuần hoặc vài tháng sau đó, và những triệu chứng đó có thể nghiêm trọng hơn ở những người có bệnh ban đầu nhẹ. Nó cũng phát hiện ra rằng những người trên 30 tuổi có nhiều khả năng có các triệu chứng hậu COVID-19 liên tục nghiêm trọng hơn những người trẻ tuổi hơn.

"Điều quan trọng là mọi người nên tìm kiếm sự trợ giúp nếu họ lo lắng về bất kỳ triệu chứng dai dẳng nào sau khi nhiễm COVID-19" – Tiến sĩ Kaser đưa ra lời khuyên.

Theo Sức khỏe và Đời sống
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.