Multimedia Đọc Báo in

Căng mình "bám chốt” tại tâm dịch Cư Bao

08:09, 22/09/2021

Gác lại những nỗi niềm riêng, vượt qua gian khó, gần một tháng qua, lực lượng Công an xã Cư Bao đang căng mình tham gia phòng, chống dịch tại nơi được xem là “điểm nóng” của tâm dịch thị xã Buôn Hồ.

Ngay từ khi phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng tại buôn Kwăng A, cán bộ, chiến sĩ Công an xã Cư Bao đã cùng sát cánh với ngành y tế, chính quyền địa phương để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại địa bàn.

Thiếu tá Trần Đình Thành, Phó Trưởng Công an xã Cư Bao trực tiếp chỉ đạo các cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ trong chốt phong tỏa tại buôn Kwăng A.

Tại chốt phòng, chống dịch trong rừng cao su tại buôn Kwăng A - nơi khởi phát dịch COVID-19 ở xã Cư Bao, Thiếu tá Trần Đình Thành, Phó Trưởng Công an xã cùng 10 chiến sĩ khác đã khẩn trương dựng lều dã chiến để cùng địa phương thực hiện nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch, giữ gìn an ninh trật tự.

Nơi làm nhiệm vụ cũng là nơi nghỉ ngơi của các cán bộ, chiến sĩ là những chiếc lều dã chiến được dựng lên bằng tấm bạt, neo trên thân cây cao su đủ che nắng, che mưa. Thiếu tá Trần Đình Thành kể lại, thời gian đầu lúc mới xảy ra dịch bệnh là thời điểm khó khăn nhất đối với cán bộ, chiến sĩ do bị động, bất ngờ vì chưa được tập huấn về công tác phòng, chống dịch nên trình độ chuyên môn còn hạn chế, lại thiếu thốn vật tư y tế, không có đồ bảo hộ...

Trong hai ngày đầu, số lượng ca mắc tăng lên liên tục, với hơn 60 ca nên công tác truy vết cực kỳ khó khăn. Song, các chiến sĩ đã phối hợp với ngành y tế, chính quyền địa phương thành lập khu phong tỏa tại 4 buôn gồm: Krum A, Krum B, Kwăng A và Kwăng B, nhanh chóng rà soát, lấy mẫu xét nghiệm để kiểm soát dịch. Tuy có phần vất vả, nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường bám chốt, không ai về nhà khi dịch bệnh chưa được khống chế.

Còn đối với chiến sĩ Y Khăn Ayũn, một công an viên trẻ của xã Cư Bao khi nhận trọng trách làm nhiệm vụ tại chốt phòng, chống dịch buôn Kwăng A, ngay từ đầu anh xác định những khó khăn, vất vả, nhất là xa vợ và ba con thơ, trong đó hai con sinh đôi chưa đầy một tuổi.

Anh Y Khăn Ayũn chia sẻ, số ca nhiễm xuất hiện nhiều nhất trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do đó việc kiểm soát dịch khá khó khăn. Tại khu vực này, bà con thường có thói quen chăn dắt trâu, bò tập trung tại các rừng cây khó phát hiện nên anh cùng các đồng đội khác thường xuyên tuần tra để phát hiện và nhắc nhở họ quay về, tránh lây nhiễm dịch. Ngoài ra, bà con trong buôn lúc phát bệnh thường có tập tục tự xông bằng lá ở nhà, không đỡ mới đến trạm y tế khám chữa bệnh, dẫn tới nguy cơ lây lan bệnh ra diện rộng rất cao.

Vì vậy, nhiệm vụ tuyên truyền để bà con hiểu rõ sự nguy hiểm của việc chữa bệnh bằng phương pháp dân gian, anh em làm nhiệm vụ khuyến cáo mọi người dân nếu có các triệu chứng của bệnh COVID-19 như ho, sốt, khó thở thì cần liên hệ với cơ quan y tế hoặc chính quyền địa phương để có hướng dẫn cụ thể.

Lực lượng Công an xã Cư Bao trên đường tuần tra, kiểm soát an ninh trật tự trong các khu phong tỏa.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các chiến sĩ Công an xã Cư Bao đã ngày đêm bám chốt, thực hiện tốt nhiệm vụ canh giữ, bảo đảm người dân không ra ngoài nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh ra cộng đồng. Cũng trong thời gian này, lực lượng Công an xã đã tăng cường tuần tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp ra đường khi không cần thiết, không mang khẩu trang, thông tin sai sự thật về công tác chống dịch trên mạng xã hội... Từ đó, đã nhắc nhở, răn đe, lập biên bản và xử lý gần 60 trường hợp vi phạm trên địa bàn toàn xã.

Ông Phạm Ngọc Tiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Bao cho biết, lãnh đạo xã đánh giá cao vai trò lực lượng công an trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Nhờ sự nỗ lực hết mình của các chiến sĩ Công an xã trong công tác phong tỏa, chốt chặn và tuần tra kiểm soát ngay từ đầu nên đến thời điểm hiện tại, về cơ bản dịch bệnh trên địa bàn đã được khống chế.

Thời gian này, song song việc đảm bảo nhu cầu sinh hoạt hằng ngày cho các đồng chí tại chốt, chính quyền địa phương cũng thường xuyên động viên thăm hỏi người thân trong gia đình của các cán bộ, chiến sĩ để họ là hậu phương vững chắc cho chồng, con em mình an tâm làm nhiệm vụ trong thời điểm cả xã cùng chung sức phòng, chống dịch.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.