Nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân vùng biên
Thời gian qua, ngoài nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới của Tổ quốc, những người lính mang quân hàm xanh còn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân vùng biên giới.
“3 bám, 4 cùng” với nhân dân
Xã biên giới Ia R’vê (huyện Ea Súp) hiện có 2.080 hộ dân với hơn 6.900 nhân khẩu, 23 dân tộc cùng sinh sống. Đóng chân trên địa bàn xã, Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Ia R’vê đã bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc với nhân dân.
Thượng úy Y Biza Rya, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Ia R’vê cho hay: "Trước đây, khi dịch bệnh COVID-19 chưa bùng phát, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thường được tổ chức lồng ghép với các sự kiện đông người ở thôn, buôn. Từ khi dịch bùng phát, đơn vị phải tổ chức với quy mô nhỏ lẻ, đến tận nhà dân hoặc chú trọng tuyên truyền qua tờ rơi, loa di động, loa truyền thanh cơ sở”.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ia R’vê tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. |
Những buổi cùng ăn, cùng làm đã gắn kết tình cảm keo sơn giữa bộ đội biên phòng (BĐBP) và nhân dân khu vực biên giới. Qua đó, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng được nâng lên rõ rệt. Chị Lâm Thị Hợp (SN 1980, trú thôn 4, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp) chia sẻ: “Thường xuyên được BĐBP tới động viên, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp tôi ý thức được phải chấp hành đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành tốt quy chế biên giới, giữ gìn an ninh trật tự địa phương…”.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia R’vê Lê Văn Hoàng Lâm, thời gian qua, bằng nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phong phú, BĐBP tỉnh và chính quyền địa phương đã giải quyết tốt các vấn đề về an ninh biên giới, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Thời gian qua, các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức như: thông qua hệ thống loa truyền thanh, loa cơ động, sinh hoạt tập trung hoặc đến tận hộ gia đình để tuyên truyền. Một cách làm hiệu quả khác đang được duy trì là thành lập “Tủ sách pháp luật đường biên” và thành lập các tổ tư vấn pháp luật, câu lạc bộ chấp hành pháp luật.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia R’vê thường xuyên xuống địa bàn tuyên truyền pháp luật cho nhân dân. |
Hiện nay, trên địa bàn biên giới, BĐBP tỉnh đã xây dựng được 14 "Tủ sách pháp luật" với hàng nghìn đầu sách, tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa có nội dung về pháp luật. Tổ tự quản an ninh trật tự, tự quản đường biên đã được thành lập, hoạt động hiệu quả tại 38 thôn, buôn, với 308 thành viên tham gia.
Ngoài ra, các câu lạc bộ “Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới”, “Phụ nữ phòng, chống vượt biên”… được thành lập, mỗi thành viên trở thành cầu nối tích cực trong tuyên truyền, giáo dục gia đình và cộng đồng cùng thực hiện. Song song với đó, những năm qua, Hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, Ngày pháp luật được BĐBP và cấp ủy chính quyền địa phương phối hợp tổ chức với các hình thức phong phú đã thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia...
Theo Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh, thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng khắp cho nhân dân. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín. Đặc biệt, Luật Biên phòng Việt Nam chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, do đó các cấp, ngành cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BĐBP đưa luật đi vào cuộc sống, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc