Multimedia Đọc Báo in

Điểm tựa chăm sóc sức khỏe của nhân dân vùng biên

08:01, 13/06/2022

Bộ đội Biên phòng tỉnh đã triển khai xây dựng 3 trạm xá quân dân y kết hợp trên địa bàn 3 xã biên giới đặc biệt khó khăn, gồm xã Ia R’vê, Ia Lốp (huyện Ea Súp) và xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).

Trong đó, Trạm xá Quân dân y kết hợp xã Ia Lốp vừa được khánh thành và đi vào hoạt động mới đây đã thỏa lòng mong chờ của hơn 1.600 hộ dân xã Ia Lốp. Năm nay hơn 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Du (ở thôn Đừng, xã Ia Lốp) thường bị bệnh đau nhức xương khớp hành hạ, đi lại rất khó khăn. Trước đây bà và người dân trong thôn phải đi hơn 50 km đường đất ra trung tâm huyện khám chữa bệnh nên rất vất vả, nhất là khi mùa mưa đến. Nay có trạm xá quân dân y kết hợp ngay tại địa phương, mỗi khi đau ốm bà không còn phải lo lắng nữa.

Người dân thường xuyên đến khám chữa bệnh tại Trạm xá quân dân y kết hợp xã Ia Lốp, huyện Ea Súp.

Tại trạm xá quân dân y kết hợp luôn bố trí cán bộ quân y phụ trách thường trực 24/24 giờ, bảo đảm nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bà con trên địa bàn. Trung bình hằng ngày trạm tiếp nhận trên 10 người dân đến khám và điều trị, từ những bệnh thông thường đến những bệnh cần sơ cứu ban đầu. Ông Phạm Khắc Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp cho biết: “Là xã đặc biệt khó khăn, Ia Lốp có hơn 1.600 hộ với trên 6.500 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 50%. Một số người dân vẫn còn tập tục lạc hậu, đau ốm ít khi đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế mà chủ yếu ở nhà cúng bái để mong khỏi bệnh. Cán bộ của trạm xá không chỉ điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ những tập tục mê tín, dị đoan, cổ hủ”.

Còn tại xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và Ia R’vê (huyện Ea Súp), từ lâu trạm xá quân dân y đã trở thành nơi khám chữa bệnh tin cậy đối với bà con biên giới. Hơn 20 năm gắn bó với biên giới, với bà con nhân dân, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Hoàng Ngọc Linh, bác sĩ phụ trách Trạm xá Quân dân y kết hợp xã Ia R’vê được bà con địa phương gọi là “thần y” bởi có những ca bệnh tưởng chừng như vô phương cứu chữa nhưng lại được anh cứu chữa thành công. Như trường hợp bà Lương Thị Hom (ở thôn 5, xã Ia R’vê) bị liệt tay và chân, dù đã đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi. Bằng phương pháp đông tây y kết hợp, châm cứu kết hợp với thủy châm và chiếu đèn, sau hơn 1 tháng được bác sĩ quân y cần mẫn đến tận nhà chữa trị, châm cứu, bà Hom đã khỏi bệnh và đi lại, lao động bình thường. “Tiếng lành đồn xa”, nhiều người bệnh từ các nơi khác cũng tìm đến Trạm xá Quân dân y xã Ia R’vê để được Đại úy Linh thăm khám, điều trị.

Đại úy Hoàng Ngọc Linh đến tận nơi chăm sóc sức khỏe cho bà Lương Thị Hom.

Từ năm 2009 đến nay, 3 trạm xá quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị tổ chức hàng trăm buổi khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho trên 3.000 lượt người dân. Từ đó, cơ bản kiểm soát được một số dịch bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét..., góp phần nâng cao sức khỏe của nhân dân, củng cố vững chắc thế trận lòng dân trên tuyến biên giới.

Đại tá Đỗ Quang Thấm, Phó Chính ủy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk chia sẻ: “Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân khu vực biên giới luôn là một trong những nhiệm vụ mà Bộ đội Biên phòng tỉnh đặt lên hàng đầu. Chúng tôi đã huy động nhiều nguồn lực, xây dựng mới các trạm xá quân dân y kết hợp tại các xã vùng biên. Đồng thời, lựa chọn kỹ lực lượng quân y được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tốt để tăng cường cho các trạm xá này”.

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.