Multimedia Đọc Báo in

Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động: Chăm lo đời sống tinh thần cho bộ đội

09:16, 25/07/2022

Tiểu đoàn Huấn luyện  - Cơ động (Bộ đội Biên phòng tỉnh) được biết đến là đơn vị “huấn luyện thép” có nhiệm vụ chính là huấn luyện chiến sĩ mới và sẵn sàng cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Trong huấn luyện, bên cạnh sự nghiêm khắc, duy trì tính kỷ luật cao, đơn vị còn chú trọng duy trì nhiều hoạt động văn hóa, giải trí nhằm tạo dựng môi trường hòa đồng, gần gũi, gắn bó giữa các chiến sĩ mới.

Chứng kiến một buổi học nhảy dân vũ tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, chúng tôi cảm nhận được sự vui tươi, hào hứng của bộ đội nơi đây. Nền nhạc là các bài hát “đậm chất lính” được cover (phối lại) thành bản nhạc sôi động và phù hợp với bài nhảy. Hòa chung trong điệu nhảy là những khuôn mặt rạng rỡ, vui tươi, tạm gác lại những vất vả nơi thao trường nắng gió.

Thiếu tá Y Juel Byă, Chính trị viên phó Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động cho biết, hằng năm, đơn vị tiếp nhận và huấn luyện hàng trăm chiến sĩ mới từ địa phương khác nhau như: Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum, Đắk Lắk… Nhằm giúp các chiến sĩ mới nhanh chóng hòa đồng với môi trường quân ngũ, tạo sân chơi bổ ích sau những giờ huấn luyện vất vả, Đoàn cơ sở Tiểu đoàn Huấn luyện – Cơ động đã phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và các đoàn trường trên địa bàn đóng quân thành lập Câu lạc bộ nhảy cha cha cha, rumba và nhảy dân vũ. Các buổi dạy nhảy được tổ chức vào những ngày nghỉ, giờ nghỉ hoặc những ngày sinh hoạt đoàn trong tuần của đơn vị.

Chiến sĩ được giới thiệu truyền thống tại Nhà Truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Thời gian đầu, chiến sĩ mới được các thành viên trong câu lạc bộ hướng dẫn từng động tác một và tập đi tập lại nhiều lần, hướng dẫn từ dễ đến khó. Sau hơn một tuần luyện tập, các chiến sĩ đã có thể tự hướng dẫn nhau, người biết nhiều chỉ người biết ít, dần dần thuần thục động tác. Các chiến sĩ hầu hết đều lần đầu học nhảy, từ những ngượng nghịu, lúng túng ban đầu, sau vài buổi học nhảy đã tự tin, mạnh dạn hơn rất nhiều.

Chiến sĩ Trần Trung Hội, Trung đội 1, Đại đội Huấn luyện bộc bạch: “Học nhảy lần đầu nên em thường hay quên động tác. Sau nhiều lần tập và được sự chỉ bảo của các anh chị trong câu lạc bộ, dần dần em đã luyện tập đều hơn, đẹp hơn. Sự thoải mái và tự tin là điều em thích nhất khi học nhảy”. Nhiều chiến sĩ còn hào hứng tìm hiểu, luyện tập những bài nhảy khó hơn như rumba và cha cha cha.

Chiến sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trung đội 2, Đại đội Huấn luyện hào hứng: “Những buổi học nhảy đã tạo cho chúng em môi trường vui tươi, tinh thần lạc quan và hơn hết gắn kết tình đồng đội, đồng chí, tuy mỗi người mỗi lứa tuổi khác nhau, sống những vùng miền khác nhau nhưng khi cùng tham gia bài nhảy đều hòa đồng và gắn kết với nhau”.

Tiết mục nhảy Dân vũ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn tại buổi giao lưu văn nghệ.

Không chỉ duy trì các câu lạc bộ dạy khiêu vũ và tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động còn tổ chức cho bộ đội tham quan các di tích lịch sử. Những ngày đầu tháng 7 vừa qua, chiến sĩ mới của đơn vị đã được đến tham quan các địa điểm như: Nhà truyền thống BĐBP tỉnh; Nhà đày Buôn Ma Thuột… Đây là những chuyến dã ngoại bổ ích, góp phần giáo dục truyền thống, tinh thần cách mạng cho các chiến sĩ mới, giúp các chiến sĩ bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Chiến sĩ Trương Hoàng Tuấn, Trung đội 1, Đại đội Huấn luyện xúc động bày tỏ tâm sự khi đến tham quan Nhà đày Buôn Ma Thuột: “Hào khí anh hùng của những chiến sĩ cách mạng ngày xưa như thổi thêm sức mạnh cổ vũ tinh thần yêu nước của những người chiến sĩ chúng tôi ngày nay”.

Nguyễn Ngọc Lân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.