Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân

08:19, 26/12/2022

Từ công tác “dân vận khéo”, lực lượng vũ trang trên địa bàn huyện Ea Kar đã tô thắm hình ảnh bộ đội cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Dân thương, dân nhớ

Đã hơn 5 năm trôi qua nhưng Trung úy Nguyễn Hữu Đại, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) xã Ea Ô vẫn nhớ như in những hình ảnh của trận lụt bão xảy ra vào cuối năm 2017.

Ban CHQS xã vừa cử lực lượng đi đến các vùng trũng thấp, dễ ngập lụt nhắc nhở người dân thì nhận được tin báo thôn 1A bị chia cắt.

Ngay lập tức, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ của đơn vị có mặt tại nơi nguy cấp, phân chia lực lượng, cõng dân, vác lúa và di chuyển tài sản của các hộ đến nơi an toàn.

“Hạnh phúc nhất là mỗi lần gặp lại, người dân lại tay bắt mặt mừng và sẵn sàng cung cấp thông tin về tình hình địa bàn”, Trung úy Nguyễn Hữu Đại chia sẻ.

Các đơn vị trong Cụm dân vận số 1 (các huyện M’Drắk, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar) trao bò tặng hộ nghèo huyện Krông Búk.

Không chỉ giúp dân phòng, chống thiên tai, trong thời gian huấn luyện tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 hằng năm, cán bộ, chiến sĩ của Cụm huấn huyện số 5 gồm Ban CHQS xã Ea Ô, Cư Ni, Cư Elang đã triển khai nhiều hoạt động. Các anh đã giúp người dân gặt lúa, làm cỏ, làm đường giao thông, sửa chữa nhà cửa cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi cán bộ, chiến sĩ xung kích đi đầu, tham gia các điểm chốt chặn, tuần tra kiểm soát, đảm bảo an ninh, an toàn địa bàn, vận chuyển lương thực, hỗ trợ người dân khu cách ly. Để giúp người dân ổn định cuộc sống mới tại Khu tái định cư số 1 khi địa phương triển khai Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng, các cán bộ, chiến sĩ còn giúp đỡ vận chuyển đồ đạc, dựng lại nhà cửa.

 

Trong 10 năm (2012 – 2022) thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Kar đã phối hợp với các đơn vị trao tặng 16 con bò giống và 7.000 cây keo giống, trị giá 258 triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 9 căn nhà, trị giá 480 triệu đồng; tặng 5 sổ tiết kiệm; giúp hàng nghìn ngày công cùng nhân dân xây dựng, sửa chữa đường giao thông, di dân tái định cư, phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai.

Học Bác tinh thần tiết kiệm, cán bộ, chiến sĩ trong Cụm huấn luyện số 5 đã xây dựng “Hũ gạo vì người nghèo”. Mỗi bữa ăn, từng cán bộ, chiến sĩ đã bớt lại một phần lương thực của mình, góp vào hũ gạo chung, nộp về Ban CHQS huyện để mua bò giống hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất.

Hướng về cơ sở

Gia đình ông Y Muốt Niê là một trong hai hộ nghèo của buôn Ea Brah (xã Ea Sô) đã được trao tặng bò giống từ Quỹ Hũ gạo vì người nghèo của Ban CHQS huyện Ea Kar. Ông Y Muốt bày tỏ, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo lại đông con, không có vốn, đất sản xuất ít nên cuộc sống cứ mãi khó khăn. Nhờ được tặng bò, vợ chồng ông đã tận dụng đất trống quanh nhà trồng thêm cỏ, chăm sóc để bò phát triển tốt, đến khi sinh sản được 3 con bê thì chuyển giao 1 bê con cho hộ nghèo khác trong buôn. Như vậy sẽ giúp được nhiều hộ khó khăn khác.

Lực lượng vũ trang huyện Ea Kar giúp người dân dựng nhà tại Khu tái định cư số 1 (xã Cư Elang)

Thượng tá Lê Xuân Chung, Chính trị viên, Ban CHQS huyện Ea Kar cho biết: Để xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, Ban CHQS huyện Ea Kar và các đơn vị trong Cụm dân vận số 1 (gồm các huyện: M’Drắk, Krông Búk, Krông Năng, Ea Kar) còn thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp tổ chức phát động quần chúng, tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn người dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, tham dự sinh hoạt cùng chi bộ thôn, buôn, nắm bắt cụ thể tình hình của các hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để có hướng trợ giúp phù hợp.

Bên cạnh đó, Ban CHQS huyện cũng đã thành lập các tổ công tác, bám sát địa bàn, nắm tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động, hướng dẫn người dân cách ăn ở hợp vệ sinh, sinh hoạt theo nếp sống văn hóa, chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng nông thôn mới.


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.