Multimedia Đọc Báo in

Đồn Biên phòng Yok Đôn: "Ba bám, bốn cùng" với nhân dân

08:21, 01/02/2023

Đồn Biên phòng Yok Đôn (Đồn Yok Đôn) đứng chân trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn. Được giao bảo vệ gần 13,5 km đường biên giới tiếp giáp với xã Krông-te, huyện Bétchănđa, tỉnh Mundulkiri (Campuchia), cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã vượt lên gian khó với tình yêu biên giới thiêng liêng.

Ngoài nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, cán bộ, chiến sĩ còn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương.

Thiếu tá Y Tiêu Kmăn, Phó Đồn Biên phòng Yok Đôn cho biết, xã Krông Na có 15 dân tộc anh em sinh sống với 1.698 hộ, 5.986 khẩu; trong đó, 78% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Êđê, M’nông.

Đời sống của bà con tuy đã được cải thiện song vẫn còn trên 51% hộ nghèo; nhiều tập tục lạc hậu còn tồn tại, phương thức canh tác sản xuất còn xưa cũ, hạn chế. Đây là những vấn đề được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok Đôn nhận định, đánh giá để từ đó đưa ra những hoạt động giúp dân có trọng tâm, trọng điểm.

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đơn vị còn chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Từ năm 2020 đến nay, cán bộ, chiến sĩ của Đồn đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội, nhà hảo tâm tặng gạo, quần áo, chăn màn, đào giếng… cho bà con; đồng thời tặng sách vở, xe đạp cho học sinh trị giá trên 500 triệu đồng.

Già làng Y Bli Niê ở buôn Jang Lành (xã Krông Na) cảm kích: “Được bộ đội giúp cải tạo vườn tạp, chăn nuôi gia súc, tăng gia sản xuất…, cuộc sống của bà con đã khá hơn trước rất nhiều”.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Yok Đôn trên đường tuần tra biên giới.

Bí thư Chi bộ buôn Jang Lành Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thấu hiểu những vất vả, thiếu thốn của bà con, cán bộ, chiến sĩ thường xuyên trực tại địa bàn đến từng hộ dân vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con mọi việc.

Từ dựng nhà, sửa nhà, thu hoạch lúa, sắn, cải tạo vườn tạp đến trồng rau, hỗ trợ chăn nuôi bò, gà, làm tường rào, dọn vệ sinh môi trường, xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm biên cương… đều được cán bộ, chiến sĩ tận tình, giúp dân chu đáo, hiệu quả.

Chính trị viên Đồn Yok Đôn Phạm Văn Giáp tâm sự: “Người dân chính là thành lũy vững chắc nhất. Vì vậy, cán bộ, chiến sĩ phải phát huy sức mạnh của nhân dân, xây dựng cho được “thế trận lòng dân” vững chắc, phải sát dân, gần dân và phải có thật nhiều việc làm hiệu quả giúp dân”.

Đại úy Trần Thế Mạnh, Đội trưởng Đội phòng, chống ma túy và tội phạm chia sẻ: “Đồn duy trì đội công tác vận động quần chúng với phương châm “ba bám, bốn cùng”: Bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc thiểu số”.

Có những hộ gia đình xa đồn trên 50 km, anh em đi xe máy băng rừng, lội suối nhưng tuần nào cũng vậy, tổ công tác không khi nào vắng mặt. Ý chí khắc phục khó khăn, làm tròn mọi nhiệm vụ, với mỗi người lính Đồn Yok Đôn là mệnh lệnh từ trái tim “Quyết giữ vững an ninh biên giới, vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Để hoàn thành nhiệm vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều luôn thấm nhuần tư tưởng “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Chính nhờ điểm tựa lòng dân, sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của đồng bào các dân tộc đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin và động lực để các anh hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc “phên giậu” quốc gia.

  Nguyễn Văn Chiến


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.