Multimedia Đọc Báo in

Biên cương trong tim hậu phương của người lính

08:30, 22/05/2025

Bộ đội Biên phòng tỉnh vừa phối hợp với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức cuộc thi viết về người lính biên phòng. Cuộc thi đã nhận được rất nhiều bài dự thi đến từ chính hậu phương vững chắc của người lính – đó là những người vợ, người con thân yêu.

Nổi bật trong tổng số gần 1.000 tác phẩm dự thi, có những câu chuyện thật sự lay động như bài viết “Thương gửi trái tim nơi biên cương của con” của tác giả Dương Thị Hải Như – con gái Thiếu tá Dương Hải Bàng (Đồn Biên phòng Ia Rvê).

Trong bức thư gửi bố, Dương Thị Hải Như đã khéo léo lồng ghép những câu chuyện, những kỷ niệm cá nhân để làm nổi bật hình ảnh người lính biên phòng nói chung và người bố hơn 30 năm công tác ở biên cương của mình đầy ấm áp, gần gũi.

Niềm vui của gia đình tác giả Dương Thị Hải Như khi tác phẩm “Thương gửi trái tim nơi biên cương của con” đoạt giải Nhất cuộc thi.

Trong thư, hình ảnh người mẹ giữ 20 cuốn lịch biên phòng, những nhiệm vụ lớn lao của người lính như tuần tra bảo vệ biên giới, giúp dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế được Dương Thị Hải Như kể sống động, chân thực qua những lần em trực tiếp lên biên giới thăm bố. Trong niềm tự hào sâu sắc về bố, Hải Như còn mạnh dạn ấp ủ ước mơ nối nghiệp cha, không chỉ để nối tiếp truyền thống gia đình mà còn “vì con muốn được sống giữa nhân dân, giữa rừng núi, nơi mà lòng yêu nước không cần nói ra mà được thể hiện bằng từng bước chân tuần tra...”.

Cũng dành cho bố những trang viết trang trọng nhất, ngay trong đầu bài viết “Ánh sao lặng lẽ giữa Tây Nguyên đại ngàn”, tác giả Lê Anh Chiến đã khẳng định: “Nếu ai hỏi tôi “Người hùng trong lòng em là ai?”. Tôi không ngần ngại trả lời, “Là bố em – Trung tá Lê Anh Tuấn, người lính mang quân hàm xanh”. Không chỉ tự hào về bố, Lê Anh Chiến còn truyền tải những giá trị cao đẹp mà người lính biên phòng vẫn thực hiện mỗi ngày trên biên ải xa xôi, như vượt lũ dữ đưa sản phụ đến trạm y tế an toàn, tặng sách cho học trò nghèo, hay những chương trình ý nghĩa như "Nâng bước em tới trường", “Con nuôi Đồn Biên phòng”, “Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản”, làm cho hình ảnh người lính trở nên gần gũi, chân thực và đầy nhân văn.

Với những cảm xúc rất chân thành, tác giả Lưu Thị Thía (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên) viết về “Nơi tình yêu bắt đầu” của hai vợ chồng chị. Một tình yêu không phải từ hoa hồng, mà là những tiếng gió hú giữa rừng sâu, từ bước chân người lính in dấu trên biên cương Tổ quốc, từ những lá thư ấm nồng gửi về giữa mùa đông biên giới. Vượt qua bao gian khó, để hôm nay: “Anh vẫn là người lính kiên trung, canh giữ bình yên cho bao cánh rừng, nếp nhà. Em vẫn là người gieo chữ, ươm mầm tương lai cho lớp lớp những đứa trẻ mang trong mình hồn núi sông”. “Nơi tình yêu bắt đầu cũng chính là nơi em muốn dừng lại, muốn ở bên anh đến tận cuối cuộc đời - để đi cùng anh qua những mùa biên giới, qua những tháng năm đời người, và để tình yêu ấy - tình yêu của em với người lính - sẽ mãi mãi là niềm tự hào, là ánh sáng dẫn đường trong trái tim các con”…

Bạn đọc hào hứng đón đọc các tác phẩm tham dự cuộc thi viết về người lính biên phòng.

Không chỉ những tác giả, tác phẩm kể trên, mà còn rất nhiều trang viết khác đã bày tỏ sự trân trọng sâu sắc dành cho người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đó là bài viết “Trái tim ở lại vùng biên” của tác giả Dương Anh Hoàn (giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Tây Nguyên) viết về Đại tá Nguyễn Hữu Phúc (đã nghỉ hưu) – người đã dành cả cuộc đời gắn bó biên cương, giúp đỡ trẻ em vùng biên có hoàn cảnh khó khăn; đó là bài viết “Ông tôi là cựu chiến sĩ biên phòng” của tác giả - cháu gái Thiều Nguyễn Vĩ Dạ với niềm tự hào về người ông của mình.

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh nhận xét: Trong số gần 1.000 bài dự thi, đa phần tác giả là giáo viên, học sinh có người thân là lính biên phòng. Tình yêu, sự tự hào dành cho người lính vì vậy được các tác giả thể hiện bằng cả trái tim chung nhịp đập với biên cương, với tình yêu Tổ quốc của người lính.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-Magazine) Viết tiếp bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc
50 năm qua (23/5/1975 - 23/5/2025), nơi mảnh đất biên cương đầy nắng gió, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã sống, chiến đấu và trưởng thành với một niềm tin sắt đá: "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt".