Multimedia Đọc Báo in

Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê: Thêm cơ hội hợp tác và liên kết tiêu thụ

09:08, 14/03/2019

Với sự chuẩn bị chu đáo của Ban tổ chức và đơn vị tham gia gian hàng, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê năm 2019 đã thu hút được lượng lớn khách tham quan mỗi ngày, nhiều tác nhân trong ngành cà phê đã tìm kiếm đối tác thành công, đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho sự hợp tác, liên kết tiêu thụ cà phê cho nông dân trong tương lai.

Tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê lần này, gian hàng “Cà phê Tây Bắc” của tỉnh Điện Biên gây ấn tượng mạnh buộc khách tham quan phải dừng chân. Bởi với nhiều người, cà phê Tây Bắc khá lạ lẫm và họ rất tò mò, muốn nếm thử hương vị xem như thế nào? Sau khi thưởng thức ly cà phê miễn phí tại gian hàng này, chị Trần Thị Hoài ở TP. Buôn Ma Thuột chia sẻ, chị mở quán cà phê nên có một ít kiến thức, kinh nghiệm về rang xay, thử nếm cà phê, do đó thấy cà phê Tây Bắc có vị thơm nhẹ, đắng nhẹ và hơi chua so với cà phê Tây Nguyên.

Anh Phạm Mạnh Hùng, chủ gian hàng cho biết, sở dĩ sản phẩm “Cà phê Tây Bắc” có vị hơi chua do nguyên liệu chế biến chủ yếu là Arabica từ huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên. Đây là một trong những vùng đất chuyên canh cà phê Arabica với diện tích khoảng 4.500 ha, do đặc thù về vị trí địa lý, khí hậu, địa hình đồi núi cao nên việc chăm sóc rất khó khăn. Bình quân, mỗi ha cho thu khoảng 15 tấn quả tươi/năm, tương đương 1,8-2 tấn cà phê nhân.

Những năm gần đây, với sự hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật của ngành chức năng, người dân Mường Ảng có xu hướng ưu tiên sử dụng phân hữu cơ, phân xanh, phân chuồng nên chất lượng cà phê ngày càng được nâng cao. Nhận thấy vùng nguyên liệu khá dồi dào và có tiềm năng để phát triển cà phê thành sản phẩm đặc sản của người dân địa phương nên năm 2015 anh tham gia chế biến cà phê thông qua việc xây dựng nhà xưởng chế biến nhân xanh, rang xay và chế tạo máy.

Qua hoạt động chế tạo máy, người dân địa phương dễ dàng tiếp cận với các cách chế biến mới để đa dạng hóa sản phẩm, củng cố khả năng tự chủ về kinh tế từ cà phê. Hiện tại nhà xưởng có công suất khoảng 100 tấn cà phê/vụ; rang xay 40 tấn/tháng. Sản phẩm cà phê nhân xanh hiện có 3 loại gồm chế biến ướt, phơi nguyên quả và honey; cà phê rang xay dùng cho pha phin truyền thống, pha máy và các sản phẩm khác dùng cho các dụng cụ pha chế khác như v60, aeropress... Đến với hội chợ lần này, đơn vị đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến với những khách hàng tiềm năng, đặc biệt là đã có nhà rang xay đến từ Nga đặt vấn đề liên hệ, tìm hiểu sau khi kết thúc hội chợ.

Du khách tham quan, tìm hiểu Cà phê Tây Bắc tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê.
Du khách tham quan, tìm hiểu Cà phê Tây Bắc tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê.

Tương tự, với sự hỗ trợ của Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), cơ sở sản xuất cà phê Phúc Minh ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông lần đầu tiên được tham gia một hội chợ chuyên ngành về cà phê. Ông Trần Đại Phúc, chủ cơ sở cho biết, đơn vị đến với hội chợ nhằm mục đích giao lưu, tìm hiểu. Sau hơn 5 ngày tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, ông đã có những định hình nhất định cho người dân địa phương với chiến lược liên kết nông dân thành lập Hợp tác xã (HTX) thông qua sự hỗ trợ của Dự án VnSAT cũng như kiên định lấy chất lượng làm đầu trong sản xuất, chế biến cà phê.

Còn HTX Nông nghiệp dịch vụ thương mại Minh Toàn Lợi, xã Ea Púk, huyện Krông Năng cũng đạt được khá nhiều thành công so với mục tiêu đặt ra. Anh Vũ Đình Hoàn, Trưởng phòng Marketing HTX cho biết, HTX được thành lập năm 2012 với 227 thành viên sản xuất 360 ha cà phê, sản lượng bình quân 1.330 tấn. Những năm qua, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các công ty liên kết, HTX đã và đang đẩy mạnh việc sản xuất cà phê theo bộ nguyên tắc quốc tế UTZ. Với đặc thù về vị trí địa lý, biên độ nhiệt ngày đêm dao động mạnh nên cà phê chín muộn hơn so với thời vụ thu hoạch của cà phê Robusta Tây Nguyên và mang hương vị đặc trưng riêng. Hiện tại, song hành với việc tham gia gian hàng tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê thì HTX còn quảng bá và phục vụ miễn phí cho người dân, du khách tại các hoạt động chuyên ngành Cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Qua đó, HTX nhận được sự đánh giá tích cực của khách tham quan về chất lượng cà phê, bao bì sản phẩm cũng như sự góp ý của khách hàng trong việc phát triển sản phẩm, gửi thông điệp lấy chất lượng làm đầu trong xây dựng và phát triển sản phẩm đến với đông đảo người dân và du khách.

Du khách tham quan, thưởng thức cà phê tại Hội chợ  - Triển lãm chuyên ngành cà phê.
Du khách tham quan, thưởng thức cà phê tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê.

Không chỉ đơn vị sản xuất, mà các nhà rang xay, thu mua trong vai trò khách du lịch đến với Đắk Lắk nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã trực tiếp đến tham quan, tìm hiểu về các loại cà phê của Việt Nam. Ông Mican đến từ Slovakia cho hay, đây là lần đầu tiên ông đến Việt Nam và tham quan một hội chợ, triển lãm chuyên ngành về cà phê sôi động, đặc sắc như thế này. Sau hơn 1 tiếng tham quan, thử nếm cà phê miễn phí, ông và người bạn đồng hành Juraj đã thu được những kết quả nhất định trong việc tìm kiếm nguyên liệu cà phê tại Việt Nam và phương pháp chế biến trong kế hoạch rang xay, mở quán cà phê của mình tại Slovakia.

Định kỳ tổ chức 2 năm một lần, Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang trở thành điểm hội tụ của ngành cà phê trong nước. Việc phục vụ miễn phí của đơn vị sản xuất và sự trải nghiệm thú vị khi tham gia thưởng thức cà phê tại các gian hàng là nền tảng ban đầu của sự kết nối, hợp tác trong tương lai.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.