Multimedia Đọc Báo in

Cuộc chiến chống dịch COVID -19: những kết quả đáng ghi nhận

07:33, 27/06/2021

Đến thời điểm này, cả 4 bệnh nhân COVID -19 được ghi nhận trong làn sóng dịch thứ tư trên địa bàn tỉnh đều đã được điều trị khỏi và xuất viện. Đáng chú ý, trong số 4 bệnh nhân này, ca bệnh số 3836 có biến chứng phức tạp, có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Kết quả này là sự động viên, khích lệ rất lớn cho các thầy thuốc trong công tác phòng chống dịch COVD-19.

Cầm tờ giấy ra viện sau 41 ngày điều trị bệnh COVID-19 tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh, bệnh nhân số 3836 - ông V.Đ.D, sinh năm 1971, ở phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ không giấu được niềm vui và liên tục nói lời cảm ơn đến đội ngũ bác sĩ đã điều trị, chăm sóc cho ông trong suốt thời gian qua.

Ông D. chia sẻ, khi biết mình bị COVID -19 ông rất hoang mang, lo lắng. Sau khi điều trị một tuần, bệnh diễn tiến nặng cần được can thiệp, chăm sóc chăm sóc đặc biệt với nhiều thiết bị y tế đưa vào người. Có những thời điểm toàn thân đau nhức, thở rất khó khăn càng khiến ông rơi vào tình trạng hoảng loạn. Tuy nhiên, được sự động viên chăm sóc kịp thời của đội ngũ y, bác sĩ, ông đã vượt qua “cửa tử” để trở về với gia đình và cộng đồng.

d
Lãnh đạo Sở Y tế trao Giấy chứng nhận ra viện cho bệnh nhân 3836 (thứ 2 bên phải).

Ông V.Đ.D trở thành bệnh nhân COVID-19 thứ 3836 vào ngày 15-5-2021. Ông là F1 của bệnh nhân 3052 ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Do nhiễm biến thể COVID-19 của Ấn Độ nên tình trạng sức khỏe của ông có những biến chứng bất thường, nhập viện được 3 ngày thì bệnh trở nặng và nguy kịch, phải thở máy và lọc máu liên tục.

Bác sĩ Châu Đương, Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh cho biết, để điều trị cho bệnh nhân 3836 Bệnh viện đã phải nhờ đến sự hỗ trợ của ê kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện vùng Tây Nguyên và Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh cùng nhiều trang thiết bị máy móc chuyên biệt. Song song đó, hằng ngày, Bệnh viện cập nhật tất cả thông số, chỉ số của bệnh nhân báo cáo cho Tiểu ban điều trị COVID-19 quốc gia để hội chẩn.

Đến ngày điều trị thứ 24, sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ đã đem lại hiệu quả tích cực, tình trạng sức khỏe bệnh nhân có cải thiện, bệnh nhân được ngừng lọc máu, cai máy thở và sau đó là rút máy thở. Bệnh nhân này diễn biến bệnh rất nhanh, rất nặng nhưng khả năng hồi phục cũng rất nhanh. Ngày 17-6, sau 32 ngày điều trị, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS –CoV-2 đầu tiên. Đến ngày 25-6, sau 3 lần xét nghiệm âm tính liên tục, bệnh nhân đã được xuất viện.

d
Ông V.Đ.D thực hiện khử khuẩn cho trước khi lên xe trở về nhà.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế, từ khi dịch COVID -19 bùng phát đến nay, Đắk Lắk đã trải qua 2 đợt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng số 7 ca bệnh. Song tình trạng biến chứng nặng như bệnh nhân 3836 là trường hợp đầu tiên ngành Y tế Đắk Lắk phải đối mặt. Trong điều kiện trang thiết bị, máy móc còn thiếu thốn, đội ngũ bác sĩ chưa có kinh nghiệm, việc điều trị thành công cho ca bệnh 3836 là niềm vui của đội ngũ thầy thuốc điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi và cũng là cơ hội để các bác sĩ của tỉnh tiếp cận, trau dồi kinh nghiệm chuyên môn.

Ca bệnh COVID -19 số 3836 được điều trị khỏi và xuất viện không chỉ ghi dấu bước tiến mới trong công tác điều trị của đội ngũ y bác sĩ tỉnh nhà, mà vui mừng hơn cả khi đây còn là sự kiện đánh dấu thời điểm Đắk Lắk không còn trường hợp mắc COVID-19, từng bước đẩy lùi dịch bệnh. 

Kim Hoàng

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.