Phòng, chống dịch tại đô thị: Ý thức là vắc xin tốt nhất
Hiện nay, nhu cầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đang tăng lên trong toàn xã hội, nhưng năng lực đáp ứng của hệ thống y tế và các đơn vị sản xuất vẫn còn hạn chế. Vậy với các đô thị, nơi đông người và điều kiện sinh hoạt dễ tiếp xúc lây lan lớn, giải pháp cơ bản nào là hiệu quả để phòng dịch?
Đắk Lắk và toàn vùng Tây Nguyên, ngoài điều kiện về địa thế tách biệt và thời tiết đặc thù, tinh thần và thái độ kiên quyết của các cấp ngành chính quyền các địa phương đến thời điểm này vẫn tạo ra những rào chắn phòng dịch hữu hiệu và đắc lực để bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng. Hơn 2 tháng qua, những cửa ngõ đi lại như sân bay Buôn Ma Thuột, các điểm kết nối với các trục giao thông bắc nam dẫn vào Đắk Lắk đều được kiểm soát nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, hình thành các rào cản tốt chưa hẳn đã chấm dứt được mọi nguy cơ. Một số trường hợp phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng xã hội tại Đắk Lắk vừa qua cho thấy chỉ cần một chút lơ là mất cảnh giác, thiếu chặt chẽ trong kiểm soát truy vết hành trình công dân đi lại giữa các vùng có dịch, là sẽ gây ra hậu quả khôn lường.
Giải pháp được xã hội ủng hộ đến lúc này là phải thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 diện rộng, tạo cơ chế phòng ngừa chủ động ở mỗi cá nhân, mới tạo được hiệu ứng miễn dịch cộng đồng, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đắk Lắk và đặc biệt tại TP. Buôn Ma Thuột tỏ rõ họ thật sự mong chờ có nguồn vắc xin để chủ động tiêm cho người lao động, duy trì sản xuất ổn định, làm tròn "nhiệm vụ kép" trong bối cảnh dịch bệnh ngày một khó khăn.
Dự kiến đến giữa tháng 7-2021, Đắk Lắk có gần 50.000 người được tiêm vắc xin, tương đương 2,3% dân số toàn tỉnh. Đây quả là con số quá nhỏ so với mơ ước tiêm chủng vắc xin cho 70% dân số - hiệu quả chủ động miễn dịch cộng đồng.
Tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 2 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Kim Oanh |
Tuy nhiên, đáng mừng là những người đã và đang được tiêm ở tuyến đầu chiếm đa số, gồm: lực lượng trong ngành y tế, những thành viên trực tiếp tham gia phòng chống dịch các cấp, làm việc tại các khu cách ly tập trung; cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công an... Điều này cho phép địa phương bảo đảm đội ngũ tuyến đầu chống dịch an toàn, chủ động thực hiện tốt các giải pháp truy vết, khoanh vùng hiệu quả khi có sự cố xảy ra. Còn những nhóm đối tượng khác, nhất là công nhân tại các nhà máy, nông dân ở các trang trại, tiểu thương ở các chợ, người dân buôn bán trong nội thị thành phố… lại chưa hội đủ điều kiện được tiêm đủ vắc xin. Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng này thực sự rất lớn và rất khó kiểm soát, nếu chỉ căn cứ vào chỉ số mũi tiêm. Hơn nữa, không ít đối tượng lại không phù hợp để tiêm vắc xin, như các trường hợp chống chỉ định, người cao huyết áp, người bị bệnh nền đang điều trị, phụ nữ có thai, đang cho con bú…
Từ thực trạng đó, có thể khẳng định, lựa chọn phòng chống dịch, có ý thức về nguy cơ lây nhiễm để chủ động phòng chống, vẫn sẽ là giải pháp căn cơ nhất đối với người dân và các tổ chức kinh tế, xã hội lúc này. Chỉ đạo từ Bộ Y tế cho thấy, kiên trì tuân thủ những quy định 5K, đặc biệt về giãn cách an toàn, là biện pháp tích cực nhất để ngừa bệnh. Mỗi cá nhân chấp hành tốt việc đeo khẩu trang khi tiếp xúc người khác, bản thân tự lên lịch ăn uống điều độ, nạp đầy đủ chất dinh dưỡng, đủ khoáng chất, vitamin sẽ chủ động tạo được khoảng cách an toàn với vi rút xâm nhập. Những thói quen vệ sinh cá nhân thường xuyên, sát khuẩn tay, súc miệng, rửa mặt sau khi di chuyển đến nơi khác cũng sẽ góp phần tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh xâm nhập cơ thể. Ngoài ra, các chế độ tập thể dục thường xuyên, uống nước đầy đủ, và nhất là bỏ bớt các thói quen sử dụng bia rượu, chất kích thích, tránh ăn đồ ăn sống, dễ bị phơi nhiễm cũng sẽ giúp mỗi người hạn chế tốt hơn nguy cơ nhiễm dịch.
Một cơ thể khỏe mạnh sẽ tự có cơ chế kháng thể tốt nhất, chống được mọi dịch bệnh xâm nhập, đó là lựa chọn quan trọng của mỗi người, trước khi bài toán vắc xin ngừa dịch được phổ thông hóa trong xã hội..
Nguyên Đức