Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Y tế huyện Krông Pắc:

Đảm bảo an toàn tiêm vắc xin phòng COVID-19

09:09, 03/07/2021

Với 3.300 liều vắc xin phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca được phân bổ trong 2 đợt, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Krông Pắc đã triển khai tiêm miễn phí cho các đối tượng theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ.

Trong đó, đợt 1 triển khai tiêm 1.800 liều cho các đối tượng tuyến đầu phòng, chống dịch (bao gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; thành viên ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…; quân đội; công an). Đợt 2 tiêm 1.500 liều cho đối tượng 1 chưa tiêm, hoãn tiêm trong đợt 1 và dành 230 liều tiêm mũi 2 cho cán bộ y tế. Đến nay, đơn vị đã hoàn thành tiêm chủng đợt 2. Qua 2 đợt, công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, không có trường hợp phản ứng bất thường sau tiêm.

Tư vấn, khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Quang Nhật
Tư vấn, khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Ảnh: Quang Nhật

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Khắc Hùng, Giám đốc TTYT huyện Krông Pắc cho biết, vắc xin phòng COVID-19 là loại vắc xin mới, lần đầu tiên được triển khai tiêm tại Việt Nam. Do đó, để đảm bảo an toàn, hiệu quả, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phương án chi tiết, bố trí nhân lực, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cán bộ, từng vị trí. Để kịp thời xử trí những trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có), đơn vị đã bố trí đầy đủ máy móc, trang thiết bị cấp cứu, cán bộ kinh nghiệm lâu năm đảm bảo xử trí tại chỗ nhanh nhất.

Sau khi có quyết định phân loại các đối tượng được tiêm chủng vắc xin COVID-19, TTYT huyện Krông Pắc đã chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu rà soát, lập danh sách các đối tượng được tiêm đến công tác tổ chức tiêm chủng; các y, bác sĩ đều được tập huấn tiêm chủng và xử lý biến chứng sau tiêm; thực hiện phân lịch tiêm chủng theo thời gian, mỗi ngày tiêm khoảng từ 300 - 350 liều để đảm bảo phòng, chống dịch; điểm tiêm chủng được bố trí ở khu riêng biệt và theo nguyên tắc một chiều; bố trí các bàn đón tiếp, tư vấn, khám sàng lọc nghiêm túc trước khi tiêm và chỉ tiêm đối với các trường hợp đủ điều kiện, đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bằng văn bản; bố trí bàn tiêm chủng, buồng theo dõi sau tiêm, chuẩn bị kỹ các phương án để kịp thời xử lý cấp cứu nếu có các tình huống xảy ra trong và sau tiêm chủng. Trong quá trình tiêm, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh luôn thường trực giám sát, hướng dẫn người tiêm bảo đảm tuân thủ đúng quy trình, quy định.

Cán bộ y tế tiêm cho trường hợp đủ điều kiện.  Ảnh: Quang Nhật
Cán bộ y tế tiêm cho trường hợp đủ điều kiện. Ảnh: Quang Nhật

Tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong đợt 2, anh Lê Văn Tuấn (cán bộ Công an huyện Krông Pắc) chia sẻ: “Trước khi tiêm, tôi được tư vấn, khám sàng lọc kỹ càng và hướng dẫn chi tiết về các biểu hiện bất thường sau tiêm có thể xảy ra nên tôi rất yên tâm”. Còn chị Nguyễn Thị Giang (Khoa Y học Cổ truyền, TTYT huyện Krông Pắc) tâm sự: “Công tác tổ chức tiêm chủng được huyện thực hiện rất nghiêm túc. Là nhân viên y tế thường xuyên tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 giúp tôi yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình”.

Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, trong 2 đợt tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, đoàn giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đánh giá cao công tác tổ chức tiêm chủng của TTYT huyện Krông Pắc. Cả 2 đợt tiêm đều diễn ra an toàn, hiệu quả; đảm bảo đối tượng tiêm vắc xin đúng theo quy định. Trong quá trình tiêm, tuân thủ nghiêm quy trình tiêm chủng và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, TTYT huyện đã thực hiện kỹ khám sàng lọc, tư vấn trước và sau tiêm; chuẩn bị đầy đủ thuốc, trang thiết bị sẵn sàng cấp cứu khi xảy ra phản ứng sau tiêm chủng; bố trí nhân lực có kinh nghiệm thực hiện tiêm chủng, tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Võ Quỳnh


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.