Multimedia Đọc Báo in

Nổ tại nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản

06:24, 13/03/2011
Ngày 12-3, đã xảy ra vụ nổ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, cách Tokyo 250km về phía Đông - Bắc. Thông tin ban đầu cho biết đã có 4 người bị thương trong vụ nổ.

Viện An toàn Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản (NISA), thuộc Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp ngày 12-3 đã công bố chi tiết diễn tiến sự cố nổ nhà máy điện hạt nhân số 1 ở Fukushima. Vụ nổ xảy ra vào khoảng 3 giờ 30 phút chiều cùng ngày sau trận động đất và sóng thần lịch sử ngày 11-3.

Một đoạn phim do Đài Truyền hình Nhật Bản phát cho thấy những bức tường bao quanh một lò phản ứng của nhà máy Fukushima I tại tỉnh Fukushima đổ sập, để lại những bộ khung thép. Nhiều đám khói bốc lên từ nhà máy.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Ảnh: Ria Novosti
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1. Ảnh: Ria Novosti

NISA cho biết sau tiếng nổ lớn, áp lực tại tổ máy 1 trong lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện ở Fukushima đã giảm nhanh chóng. Mực nước trong bể chứa lò liên tục giảm từ chiều cao 4m xuống còn 1,7m và để lộ một nửa các thanh nhiên liệu khỏi mặt nước. Xe chữa cháy chuyên dụng chịu trách nhiệm đổ nước lạnh làm nguội lò hiện vẫn chưa tiếp cận được lò phản ứng. Cơ quan chức năng đang tính đến khả năng sử dụng nước biển để thực hiện chức năng hạ nhiệt này.

Trong khi đó, theo NHK, tình trạng khẩn cấp hạt nhân đã được ban hành tại Nhà máy Điện Hạt nhân số II ở tỉnh Fukushima, phía đông bắc Tokyo. NHK dẫn lời Chánh văn phòng Nội các Edano Yukio rằng, 3 lò phản ứng của nhà máy đã bị hỏng hệ thống điều áp. Dân cư sống quanh nhà máy trong bán kính 10km phải đi sơ tán. Ông Edano nói thêm rằng, tới nay chưa phát hiện có rò rỉ phóng xạ. Ông kêu gọi người dân bình tĩnh làm theo hướng dẫn sơ tán.

Sau thông tin về vụ nổ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết đang khẩn trương thu thập thông tin từ nhà chức trách Nhật Bản. Bộ Năng lượng Nga cùng ngày tuyên bố đang theo dõi chặt chẽ mức phóng xạ tại khu vực Sakhalin, Viễn Đông của Nga.

* Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã quyết định cử 50.000 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia cùng với các lực lượng cứu hộ, y tế để bắt đầu cuộc cứu hộ lớn nhất lịch sử nước này. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano khẳng định sẽ bằng mọi cách và nhanh chóng nhất cứu hộ và khắc phục hậu quả tại các khu vực hứng chịu thảm họa. Trong lúc này, lực lượng cứu hộ đã phát hiện và sơ tán 80 người đang mắc kẹt trên một con tàu ngoài khơi Ishinomaki tỉnh Miyagi. Tuy nhiên, một đội cứu hộ gồm 300 người khi tiến vào khu vực tỉnh trên sáng 12-3 đã bị mất liên lạc với tổng hành dinh. Quân đội Nhật Bản cho biết họ đã tìm thấy từ 300-400 thi thể ở thành phố ven biển Rikuzentakata, trong khi 10.000 người ở thành phố cảng khác thuộc tỉnh Miyagi đang bị mất tích. Tổng số người thiệt mạng có thể đã vượt 1.700.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết đã có 50 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế cam kết hỗ trợ Nhật Bản khắc phục hậu quả trận động đất lịch sử này. Theo hãng AP, Tổng thống Mỹ B.Obama tuyên bố sẽ phái tàu sân bay tới giúp Nhật Bản cứu hộ cứu trợ các nạn nhân trong những vùng bị động đất và sóng thần tàn phá. Người phát ngôn Hạm đội 3 của Mỹ thông báo tàu sân bay R.Reagan đã nhận được lệnh và sẽ tới Nhật Bản trong vài ngày tới. Cùng lúc này, Đội trưởng đội cứu hộ quốc tế Trung Quốc Vương Hồng Quốc cho biết cả đội đã chuẩn bị sẵn sàng và sẽ lên đường ngay khi có lệnh.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nhận định thiệt hại do sóng thần gây ra lên tới hàng chục tỷ USD. Theo BBC ngày 12-3, giá đồng yên và chỉ số chứng khoán Nhật giảm thấp vì ảnh hưởng của trận động đất khủng khiếp. Tại thị trường chứng khoán Kyodo, chỉ số Nikkei rớt 179 điểm xuống còn 10.254,43 điểm. Giá đồng yên cũng giảm còn 83,275 yên đổi 1 USD so với gần 90 yên/USD trong phiên giao dịch ngày 11-3. Chuyên gia phân tích kinh tế Singapore David Kan dự đoán: “Trận động đất này có thể khiến GDP Nhật Bản giảm 1%”.

* Hãng Tân Hoa xã dẫn nguồn từ Trung tâm Dự báo thuộc Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho biết, các cơn sóng thần, bắt nguồn từ trận động đất mạnh ở Nhật Bản, tràn vào các tỉnh ở miền Nam và miền Đông của Trung Quốc đêm 11-3 nhưng không gây thiệt hại nghiêm trọng. Những đợt sóng đầu tiên từ cơn sóng thần Nhật Bản đã tới lục địa Mỹ, dọc bờ biển Port Orford, tiểu bang Oregon. Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ cho biết có những con sóng lớn, cao khoảng 2m, đánh vào thành phố Crescent, bang California. Còn tại Alaska, sóng thần đã gây ra đợt sóng cao tới 1,5m ở Shemya, thuộc quần đảo Aleutian, cách thành phố Anchorage 1.900km về phía Tây - Nam. Canada cũng ban bố cảnh báo sóng thần do nguy cơ xảy ra sóng thần ở trong hoặc gần vùng biển phía Tây của nước này, trong đó tỉnh Bristish Columbia của nước này đã được đặt trong tình trạng báo động cao do nguy cơ xảy ra sóng thần.

G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc