Dành gần 49 tỷ đồng bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng
Chỉ trong thời gian 18 năm, từ 1993 đến 2011, số lượng cồng chiêng của các dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh đã giảm 2.000 bộ. Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh còn 2.307 bộ chiêng đủ, trong đó, dân tộc Êđê 2.064 bộ, M’nông (164), J’rai (62), Sê Đăng (8) và Vân Kiều (9).
Biểu diễn cồng chiêng |
Theo Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản - không gian văn hóa cồng chiêng Dak Lak, giai đoạn 2012-2015” đang được UBND tỉnh xây dựng, từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ dành nguồn vốn gần 49 tỷ đồng phục vụ công tác giữ gìn, bảo tồn, khai thác và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng, từng bước khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Việc mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng tại các huyện, thị xã, thành phố; phục dựng lễ kết nghĩa anh em, cúng bến nước của người Êđê, cúng sức khỏe voi của người M’nông; hỗ trợ kinh phí cho các nhà sinh hoạt cộng đồng tổ chức hoạt động diễn xướng cồng chiêng… sẽ được chú trọng thực hiện.
Giai đoạn 2007-2010, tỉnh cũng đã từng triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Dak Lak” nhưng nhiều nội dung quan trọng như: khai thác, phục hồi các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa gắn với môi trường diễn xướng văn hóa cồng chiêng; xây dựng chính sách hỗ trợ kinh phí cho các gia đình, nghệ nhân có công gìn giữ cồng chiêng lâu đời; truyền dạy đánh chiêng cho thế hệ thanh thiếu niên là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ… chưa được thực hiện nên kết quả thu được còn thấp.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc