Multimedia Đọc Báo in

Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức thảo luận, góp ý 2 Dự thảo Luật: Phòng, tránh giảm nhẹ thiên tai và Khoa học & Công nghệ (sửa đổi)

09:59, 14/03/2013

Ngày 13-3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Dak Lak đã tổ chức thảo luận, tham gia ý kiến góp ý  Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và Luật Khoa học & Công nghệ (sửa đổi).

Đại diện Thường trực HĐND, UBMTTQVN tỉnh; lãnh đạo các ban của HĐND và một số sở, ban, ngành đã tham dự.

Quang cảnh buổi thảo luận, góp ý
Quang cảnh buổi thảo luận, góp ý

Dự thảo Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai đã nhận được 9 ý kiến thảo luận, góp ý; cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành là nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường quản lý Nhà nước, hiệu quả hoạt động phòng, chống thiên tai, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Về tên gọi, các đại biểu đề nghị lấy tên Luật là “Phòng, chống thiên tai”  vì tên gọi này ngắn gọn, đầy đủ, bao quát toàn diện các vấn đề trong hoạt động phòng, chống thiên tai; đồng thời phản ánh và khái quát được những nét chung nhất về bản chất, nội hàm và mục đích của việc ban hành luật. Tuy nhiên, Luật cần bổ sung các điều khoản quy định: Nhà nước có chính sách đồng bộ về đầu tư, huy động nguồn lực và giải pháp tổ chức thực hiện công tác phòng chống thiên tai; quy định về quy hoạch đất ở cho các hộ dân ở các vùng xung yếu, bị ảnh hưởng bởi tác động của thiên tai; tăng cường phương tiện ứng cứu nhân dân khi bị thiên tai; có cơ chế huy động các nguồn lực để tu bổ, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai có tính trọng điểm; làm rõ trách nhiệm của lực lượng vũ trang và các các cơ quan trong việc tìm kiếm cứu nạn cứu hộ...

Một vấn đề được các đại biểu quan tâm là nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai và vai trò của lực lượng vũ trang nhân dân trong phòng, chống thiên tai. Không nên quy định Lực lượng vũ trang nhân dân có vai trò chủ lực mà chỉ nên quy định là lực lượng nòng cốt trong sơ tán người, tài sản, phương tiện, thiết bị, tìm kiếm cứu nạn, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội khi thiên tai xảy ra.

Về việc thành lập Quỹ phòng, chống thiên tai, các ý kiến đề nghị không nên quy định độ tuổi và sự đóng góp bắt buộc của công dân (nam từ 18 đến 60, nữ từ 18 đến 55 tuổi) như Dự thảo, vì hiện nay nhân dân đóng góp rất nhiều các loại quỹ, nên cần phát huy sự tự nguyện của các tổ chức và cá nhân trong việc lập Quỹ.

Đối với Dự thảo Luật Khoa học & Công nghệ (sửa đổi), các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận về các tổ chức khoa học & công nghệ; về cơ chế tài chính và tín dụng cho hoạt động khoa học và công nghệ; về trách nhiệm quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đồng thời kiến nghị Dự án Luật cần cụ thể hóa được những quan điểm lớn về phát triển khoa học, công nghệ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5; thể hiện rõ hơn chủ trương lớn nhất của Đảng và chính sách của Nhà nước là bảo đảm “phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu”...

Nguyên Hoa
 


Ý kiến bạn đọc