Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức các đội cấp cứu lưu động khi có thiên tai

16:58, 09/05/2013

Bộ Y tế chỉ thị các bệnh viện từ tuyến huyện trở lên tổ chức các đội cấp cứu lưu động với đầy đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế và phương tiện đi lại, tổ chức ứng trực, sẵn sàng cấp cứu, điều trị kịp thời cho nạn nhân trong và sau khi xảy ra bão, lũ, thiên tai, thảm họa.

Để chủ động đối phó với những diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp của thời tiết năm 2013, Bộ Y tế đã chỉ thị các đơn vị xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế trong phòng, chống thiên tai, lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2013. Trong đó, yêu cầu nguồn nhân lực y tế phải đáp ứng nhanh trong thiên tai, thảm họa.

1
Tổ chức cứu nạn cho người dân tại xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak). Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, cần bảo đảm đầy đủ cơ số thuốc phòng chống lụt bão, hóa chất, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển trong phòng, chống và khắc phục lụt, bão, chống dịch, bệnh.

Đồng thời, cần xây dựng phương án sơ tán, di dời cơ sở y tế khi xảy ra ngập lụt, sập đổ để nhanh chóng thu dung cấp cứu, điều trị nạn nhân trong mọi tình huống khẩn cấp; đảm bảo cho các cơ sở y tế hoạt động, tuyệt đối không để người bệnh, nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi lũ, bão; có kế hoạch phân bổ cơ số thuốc phòng chống bão lụt, hóa chất chống dịch. Đảm bảo lương thực, thực phẩm cùng các phương tiện bảo đảm cứu trợ khác cho cơ sở y tế hoạt động được ít nhất 1 tuần từ nguồn kinh phí địa phương tại các khu vực trọng điểm.

Bộ yêu cầu các đơn vị chủ động tập huấn, diễn tập về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, thảm họa tại đơn vị mình.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng và in, phát tài liệu hướng dẫn, tuyên truyền về vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và các bệnh truyền qua đường thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trước mùa bão, lũ, lụt cho nhân dân.

Nếu xảy ra thiên tai, thảm họa, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ”. Đó là: có cán bộ chỉ huy điều phối các lực lượng tìm kiếm, cấp cứu và vận chuyển nạn nhân ngay tại nơi xảy ra thiên tai, thảm họa (chỉ huy tại chỗ); có cán bộ y tế luôn sẵn sàng để sơ cứu, cấp cứu nạn nhân và hướng dẫn, chỉ đạo công tác vệ sinh, môi trường, phòng chống dịch bệnh (lực lượng tại chỗ); có đủ thuốc, trang thiết bị, phương tiện và vật tư y tế phục vụ yêu cầu chuyên môn (phương tiện tại chỗ); dự trữ đủ xăng dầu cho xe cấp cứu, dự trữ lương thực, thực phẩm… cho cơ sở khám chữa bệnh (hậu cần tại chỗ).

Sở Y tế các địa phương nằm trong vùng phân lũ phải lập ngay kế hoạch cụ thể việc di chuyển, bảo đảm an toàn các cơ sở y tế trong vùng bị ngập lụt, không để hư hỏng, thất thoát thuốc, hóa chất, máy móc thiết bị y tế do mưa, bão, lũ; bố trí các trạm cấp cứu bám sát các khu vực dân cư tạm sơ tán với đầy đủ cán bộ y tế, thuốc và phương tiện cấp cứu.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở y tế dự phòng từ tuyến huyện trở lên căn cứ vào tình hình sức khỏe, bệnh tật tại cộng đồng, các vùng có nguy cơ và hay xảy ra thiên tai, thảm họa để lên kế hoạch đảm bảo đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, sản phẩm dinh dưỡng, triển khai kịp thời công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phát hiện sớm và xử lý ngay những ổ dịch xuất hiện sau thiên tai, lụt bão, thảm họa.

N.X (nguồn chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc