Multimedia Đọc Báo in

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk

16:47, 22/06/2020

Chiều 22-6, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc với tỉnh Đắk Lắk.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; cùng lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.

ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.Gia

Trong 6 tháng đầu năm, nền kinh tế Đắk Lắk có tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị tổng sản phẩm đạt 22,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành Nông nghiệp vẫn là ngành đóng vai trò chủ lực, ước thực hiện gần 7,3 nghìn tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 6 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 250 triệu USD, đạt trên 38% kế hoạch; thu ngân sách đạt trên 3,3 nghìn tỷ đồng, bằng 39,5% kế hoạch. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả khá, đến nay toàn tỉnh đạt 2.250/2.888 tiêu chí; bình quân toàn tỉnh đạt gần 14,4 tiêu chí/xã. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 9 xã so với năm 2019…

ảnh
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.Gia

Tại buổi làm việc, tỉnh Đắk Lắk đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm hỗ trợ tỉnh một số vấn đề như: kinh phí khắc phục hạn hán vụ đông xuân 2019 - 2020; kinh phí hoàn thành 13 dự án bố trí dân di cư ngoài kế hoạch đang triển khai thực hiện dở dang; kinh phí xây dựng mới và sửa chữa các công trình thủy lợi. Đồng thời, quan tâm giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp có tiềm lực trong và ngoài nước đến tìm hiểu, đầu tư, liên kết sản xuất với các hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân theo chuỗi giá trị, nhất là lĩnh vực chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu. Cùng với đó, xem xét, điều chỉnh một số nguyên tắc, tiêu chí, định mức hỗ trợ trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với đặc thù vùng Tây Nguyên…

ảnh
Đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: H.Gia

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp ở Đắk Lắk. Thời gian tới, Đắk Lắk cần xác định đúng lợi thế kinh tế để phát triển, đó là phát triển nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch; rà soát, định dạng đối tượng cây công nghiệp chính để phát triển theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng. Đặc biệt, tỉnh cũng cần tính toán lại việc phát triển các loại cây ăn quả và rau, củ để phát huy được tiềm năng hiện có. Lĩnh vực chăn nuôi cũng cần đẩy mạnh, nhất là chăn nuôi đại gia súc, hướng đến xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi. Đối với phát triển lâm nghiệp, Đắk Lắk cần khai thác tốt nguồn nguyên liệu rừng và phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; phát triển các đối tượng rừng trồng phù hợp, có giá trị kinh tế cao… Những kiến nghị của Đắk Lắk, Đoàn công tác ghi nhận và xem xét để giải quyết.

ảnh
Lãnh đạo tỉnh trao quà lưu niệm tặng Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT. Ảnh: H.Gia

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đã cảm ơn sự quan tâm của Bộ NN-PTNT đối với tỉnh Đắk Lắk. Những chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT sẽ là cơ sở để tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong thời gian tới.

 

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.