Multimedia Đọc Báo in

Tập trung ứng phó cơn bão số 12 và bão số 13

21:08, 10/11/2020

Ngày 10-11, UBND tỉnh đã có Công điện về việc tập trung ứng phó cơn bão số 12 (ETAU) và cơn bão số 13 (VAMCO) có khả năng đi vào Biển Đông và gây mưa lũ trên địa bàn tỉnh.

Theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, 24 giờ qua, do ảnh hưởng rìa phía nam lưỡi áp cao lạnh lục địa ổn định kết hợp rìa tây hoàn lưu cơn bão số 12, thời tiết trên địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng, phía đông có mưa to đến rất to. Nhằm đảm bảo an toàn hạ du các hồ chứa và chủ động ứng phó với cơn bão số 12 và cơn bão số 13 có khả năng đi vào Biển Đông và mưa lũ trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa  phương và các đơn vị quản lý hồ chứa: Tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công điện số 03/CĐ-UBND, ngày 27-10-2020 về việc tập trung ứng phó với bão số 9 (bão Molave) và mưa lũ trên địa bàn tỉnh và Công điện số 05/CĐ-UBND, ngày  4-11-2020 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 10 (bão GONI) và mưa  lũ trên địa bàn tỉnh.

d
Cao su tại xã Cư Elang (huyện Ea Kar) bị ngập.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 12, cơn bão số 13 có khả năng đi vào biển Đông và mưa lũ; chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du; đối với các hồ đã đầy nước cần chủ động điều tiết để đón lũ, kiểm tra việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ  theo quy định; tổ chức các đoàn kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ đập bị hư hỏng, có nguy cơ mất an toàn cao để kịp thời phát hiện và xử lý khi có tình huống nhằm giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt tại khu vực lòng hồ thủy lợi Krông Pách Thượng, yêu cầu UBND huyện M’Drắk phối hợp với Ban Quản lý và Đầu tư xây  dựng Thủy lợi 8, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông  nghiệp phát triển nông thôn tỉnh khẩn trương rà soát, xác định cụ thể địa điểm nơi ở mới an toàn, nêu cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, cập nhật phương án di dời dân về nơi an toàn trước mùa mưa bão với mục tiêu giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân với phương châm “Di dời hộ dân ở vùng thấp về nơi vùng cao an toàn, cộng đồng tương trợ, gia đình giúp gia đình, dòng tộc, họ dòng, bà con thân thích, hàng xóm láng giềng giúp đỡ lẫn nhau”. Sẵn sàng lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đường thường xuyên có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; đặc biệt những khu vực thuộc địa bàn các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Năng, Ea H’leo, Krông Bông, Ea Súp, Cư M’gar, Krông Ana và Lắk.

d
Điểm đấu nối giữa Quốc lộ 27 với khu dân cư tại xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) bị ngập sâu.

Tiếp tục cảnh báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực các công trình cầu dân sinh bị hư hỏng, đường giao thông bị sạt lở do những đợt mưa lũ vừa qua và trong thời gian tới (đặc biệt là vùng thường xuyên bị ngập như các huyện: M’Drắk, Ea Kar, Krông Bông, Ea Súp, Krông Ana, Lắk, Cư Kuin, Krông Pắc) và khu vực các công trình cầu, cống, đường giao thông có nguy cơ mất an toàn, thường  xuyên bị ngập lụt do mưa, lũ trên địa bàn tỉnh…

Minh Hoàng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.