Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung

18:38, 13/01/2021
Ngày 13-1, tại TP. Buôn Ma Thuột, Hội đồng Dân tộc - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Dân tộc của Chính  phủ và  Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội thảo triển khai Chương trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung. 
       
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện các tỉnh trong khu vực. Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chủ trì Hội thảo. 
        
Đồng chí ...
Đồng chí Tòng Thị Phóng -  Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo. Ảnh: Hoàng Gia

Theo đánh giá của Thường trực Hội đồng Dân tộc Quốc hội, hệ thống chính sách về dân tộc được ban hành trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên - Duyên hải miền Trung nói riêng. Trước yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh mới, hệ thống chính sách này cần phải được cơ cấu, tích hợp lại theo hướng đồng bộ, toàn diện hơn nhằm đáp ứng bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.       

Đại biểu...
Đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Hoàng Gia

Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan đã nghiên cứu, đề xuất, xây dựng và ban hành Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2030. Trong đó, hệ thống chính sách về dân tộc đang nằm rải rác ở những chương trình (đề án) thuộc các ban, bộ, ngành Trung ương được tích hợp lại và thống nhất về một đầu mối. Đề án đã được Quốc hội phê duyệt, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 năm 2019. 

Đề án đặt ra các mục tiêu: Phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh và bền vững; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ để phát triển vững chắc, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát triển toàn diện lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa; nâng cao số lượng lẫn chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng lao động là người dân tộc thiểu số; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.       

Đồng chí...
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chào mừng Hội thảo và trình bày tham luận . Ảnh: Hoàng Gia

Tại Hội thảo, có gần 15 tham luận, góp ý, đề xuất của các ban, bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương về giải pháp, lộ trình triển khai thực hiện những nội dung cơ bản trên của Đề án. Về phía Đắk Lắk, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã trình bày tham luận “Công tác quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự phát  - một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của tỉnh Đắk Lắk hiện nay”.      

Được biết, tổng nguồn vốn cho Đề án này (giai đoạn 2021 -2025) là 137.664 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương bố trí gần 105.000 tỷ đồng, còn lại huy động từ ngân sách địa phương, vốn tín dụng chính sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.  
 
Phó Chủ...
Đồng chí Tòng Thị Phóng trao quà tặng hộ nghèo dân tộc thiểu số cho đại diện các tỉnh tham dự Hội thảo. Ảnh: Hoàng Gia
         
Nhân dịp này, đồng chí Tòng Thị Phóng đã gửi quà tặng hộ nghèo dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung .
                                                                                     
                                                                                                                                                        Đình Đối 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.