Multimedia Đọc Báo in

Huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác giảm nghèo

15:11, 06/04/2021

Sáng 6-4, Đoàn công tác của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) do Thứ trưởng Lê Văn Thanh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc kiểm tra tình hình thực hiện các chính sách, chương trình về giảm nghèo, lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

a
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh phát biểu tại buổi làm việc

Theo báo cáo tại buổi làm việc, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương đã bố trí ngân sách cho tỉnh gần 770 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí trên 85 tỷ đồng, các địa phương trong tỉnh huy động đóng góp từ người dân gần 37 tỷ đồng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến nay, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã được thực hiện đảm bảo, có hiệu quả.

Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn 7,91% (giảm 11,46% so với cuối năm 2015). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 17,40%, bình quân giảm 3,95%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn giảm còn 27,67%, bình quân giảm 5,59%/năm.

a
Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Trần Phú Hùng trao đổi, trả lời các thông tin liên quan tại buổi làm việc

95,65% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng; 80,52% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Chính sách tín dụng ưu đãi đã giải quyết cho vay đối với trên 252.000 lượt hộ nghèo, với doanh số cho vay gần 7.000 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục cho  gần 47.000 lượt học sinh, sinh viên...

Về công tác giải quyết việc làm cho người lao động, trong 5 năm qua, Đắk Lắk giải quyết việc làm cho trên 143.000 người, trong đó có trên 47.000 người dân tộc thiểu số và trên 4.500 người đi xuất khẩu lao động. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho hơn 131.000 lượt người, giới thiệu việc làm cho hơn 53.000 lượt người, trong đó có hơn 20.000 người có việc làm…

Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu dự buổi làm việc cũng đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, lao động, việc làm ở địa phương, qua đó, đề xuất những giải pháp thực hiện, chính sách hỗ trợ để việc thực hiện chương trình đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

a
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh phát biểu tại buổi làm việc

Dự buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả của tỉnh đạt được trong thực hiện các chính sách, chương trình về giảm nghèo, lao động, việc làm thời gian qua. Đồng chí đề nghị, Đắk Lắk cần tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, liên tục để có nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo; liên kết phát triển hợp tác xã, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích người dân phát triển kinh tế, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để người dân vươn lên tự thoát nghèo; kết nối với các trung tâm dịch vụ việc làm để giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân; huy động hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ, tăng cường tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; huy động các hội, đoàn thể tham gia hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh H'Yim Kđoh cho biết, trên cơ sở kế hoạch vốn được giao, các sở, ngành địa phương đã tập trung phân bổ nguồn lực thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của chương trình, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng; bày tỏ mong muốn thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục nhận được nhiều hơn sự quan tâm phối hợp, hỗ trợ từ  Bộ LĐ-TB-XH cũng như các ban, ngành ở Trung ương.          

Thúy Hồng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.