KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30-4-1975-30-4-2010):
Tỏa sáng tinh thần của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975
11:33, 13/04/2010
Sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và bước vào thời kỳ xây dựng CNXH, miền Nam vẫn dưới ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai. Chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc trở thành nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân tộc. Với tinh thần tiến công, quân và dân ta đã làm nên những chiến công oanh liệt để đất nước được hoà bình, trọn niềm vui. Tinh thần tiến công ấy càng được tỏa sáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những chiến công oanh liệt
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta đã trải qua gần 21 năm là cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt nhất và phức tạp nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến có những chuyển biến về tương quan lực lượng và cục diện chiến tranh để đến giai đoạn cuối tạo bước nhảy vọt lớn đi đến giành thắng lợi hoàn toàn.
Từ tháng 7-1954 đến hết năm 1960 là giai đoạn Đảng ta lãnh đạo cuộc đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của đế quốc Mỹ. Không chấp nhận các điều khoản của Hiệp định Giơnevơ, Mỹ xúc tiến kế hoạch xâm chiếm miền Nam nước ta, dùng hình thức thống trị bằng chính quyền tay sai độc tài phát xít Ngô Đình Diệm. Chính quyền Mỹ - Diệm tập trung thực hiện biện pháp "tố cộng, diệt cộng" đàn áp, khủng bố phong trào yêu nước. Sớm nhận thức rõ ý đồ xâm lược của Mỹ, Đảng ta nhất quán tinh thần chỉ đạo tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN. Trong ba năm (1958 - 1960) ta đã hoàn thành về cơ bản công cuộc cải tạo XHCN, căn bản xoá bỏ chế độ bóc lột, bước đầu xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội theo con đường đi lên CNXH, chuẩn bị về quân sự cho cách mạng cả nước giai đoạn mới. Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng ra đời, xác định rõ mục tiêu, phương pháp cách mạng miền Nam, mối quan hệ chiến lược của cách mạng hai miền, giải quyết kịp thời yêu cầu phát triển của cách mạng miền Nam; định hướng và động viên nhân dân miền Nam vùng lên trong phong trào Đồng Khởi (1959 - 1960), xoay chuyển tình thế cách mạng miền Nam, làm tan rã hàng loạt bộ máy của ngụy quyền ở các thôn, xã.
Từ cuối năm 1960, đế quốc Mỹ thay đổi chiến lược, chuyển sang “chiến tranh đặc biệt" đối phó với cách mạng miền Nam. Đó là chiến lược dùng quân đội ngụy tay sai làm công cụ tiến hành chiến tranh, càn quét dồn dân vào ấp chiến lược. Giữ vững và phát triển thế tiến công, trong giai đoạn từ 1961 đến giữa 1965, Đảng ta đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, từ khởi nghĩa từng phần lên chiến tranh cách mạng, kết hợp song song cả đấu tranh vũ trang và chính trị đánh địch bằng cả quân sự và chính trị, bằng cả ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược, làm phá sản chiến lược “chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và tay sai. Ở miền Bắc, các mặt trận kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng đều có bước phát triển mới. Quân và dân miền Bắc vừa sản xuất vừa sẵn sàng chiến đấu và chi viện cho miền Nam.
Trước nguy cơ phá sản của “chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “chiến tranh cục bộ” sử dụng quân đội Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu tiêu diệt bộ đội chủ lực ta; dùng ngụy quân ngụy quyền để bình định kìm kẹp nhân dân, âm mưu đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 đến 30 tháng (từ giữa 1965 đến hết 1967), đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân. Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước và trong giai đoạn 1965-1968 có nhiều chiến công vang dội ghi vào lịch sử. Đó là những trận thắng oanh liệt ở Núi Thành, Vạn Tường, Plâyme, Đất Cuốc, Bầu Bàng, ta đánh bại ba cuộc hành quân lớn của Mỹ vào miền Đông Nam Bộ, đánh thắng lớn ở các chiến trường Tây Nguyên, miền Tây khu V, Đường 9... Quân dân miền Bắc tiếp tục đánh trả cuộc tiến công của Mỹ bằng không quân và hải quân, giành những thắng lợi lớn trên nhiều mặt, bảo đảm giao thông thông suốt, chi viện sức người, sức của ngày càng lớn cho miền Nam. Đặc biệt, Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân Xuân 1968 đã giáng một đòn quyết định vào chiến lược "chiến tranh cục bộ" của đế quốc Mỹ, buộc chúng dù ngoan cố đã phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh.
Phát huy sức mạnh liên minh chiến đấu Việt Nam với Lào, Campuchia, trong giai đoạn thứ từ 1969 đến 1973, chúng ta làm thất bại một bước chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh", đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, làm thay đổi cục diện chiến trường, cục diện chiến tranh, tạo thế mạnh trong đàm phán. Trong đàm phán, chúng ta cũng khôn khéo tiến công địch, phối hợp chặt chẽ giữa "đánh và đàm", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, làm cho so sánh lực lượng thay đổi hẳn, có lợi cho ta, tạo điều kiện cơ bản nhất để ta giành thắng lợi cuối cùng.
Sau khi ký Hiệp định Pari, mặc dù buộc phải rút hết quân nhưng đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới. Đến tháng 5-1973, xu thế chống phá Hiệp định Pari của địch ngày càng tăng. Tháng 7-1973 , Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 21 đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực và đề ra các nhiệm vụ lớn cho hai miền Nam - Bắc. Tháng 7-1974, Đảng ta chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976, nếu thời cơ đến sẽ giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi toàn Miền, nhất là của miền Đông Nam Bộ, đặc biệt là chiến thắng toàn tỉnh Phước Long cuối năm 1974 - đầu năm 1975 càng cho thấy thực tế suy yếu của quân ngụy Sài Gòn và khả năng Mỹ khó quay lại được Việt Nam. Đảng ta nhận định thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã đến.
Xe tăng giải phóng tiến vào Dinh Độc lập Ảnh: T.L |
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 bắt đầu từ ngày 4-3 bằng ba đòn chiến lược: Chiến dịch Tây Nguyên mở đầu bằng trận đột phá đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên; Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn - Gia Định kết thúc vào ngày 30-4. Trong 55 ngày đêm với sức mạnh áp đảo về chính trị và quân sự, quân và dân ta đã giành được toàn thắng. Hơn một triệu quân ngụy và cả bộ máy ngụy quyền bị đập tan.
Thành tựu 35 năm sau ngày giải phóng
Phát huy tinh thần tiến công của đại thắng mùa Xuân năm 1975, Đảng ta tiếp tục chèo lái con thuyền xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để gặt hái được những thành tựu đáng kể.
Kế hoạch 5 năm (1976 - 1980) được thực hiện trong hoàn cảnh khó khăn nhưng nhân dân ta đã vượt qua và đạt được một số thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực: khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo quan hệ sản xuất ở miền Nam, phát triển y tế, văn hóa, giáo dục. Giai đoạn 1981 - 1985, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 4,9% so với 1,9% hàng năm của thời kỳ (1976 - 1980); thu nhập quốc dân tăng bình quân 6,4% so với 0,4% trong 5 năm trước. Sớm nhận thức tình hình đất nước, bối cảnh quốc tế, Đảng ta khởi xướng đường lối đổi mới và đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng. Về lương thực, thực phẩm, từ chỗ thiếu ăn năm 1990, chúng ta đã vươn lên đáp ứng nhu cầu trong nước, có dự trữ và xuất khẩu, góp phần quan trọng ổn định đời sống nhân dân và cân đối cán cân xuất - nhập khẩu. Năng lực của nhiều ngành kinh tề tăng mạnh. Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân tăng hàng năm: 10 năm (1990 - 2000) đạt 7,5%; 5 năm (2001 - 2005) đạt 7,51%. Năm 2009, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng âm, Việt Nam vẫn là một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng khá cao, đạt 5,32%. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN tiếp tục được hoàn thiện. Quan hệ sản xuất ngày càng phù hợp hơn, tạo điều kiện phát triển lực lượng sản xuất. Trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, năm 2000, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá nạn mù chữ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Tuổi thọ của người dân ngày càng tăng. Tỷ lệ hộ nghèo liên tục giảm theo các năm. Chỉ số phát triển con người (HDI) thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 35 năm qua, chúng ta đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới. Nước ta đã mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hoá, đa dạng hoá; gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với trên 160 quốc gia và 70 vùng lãnh thổ. Nguyên tắc quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, được quán triệt trong nhiệm vụ xây dựng một nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của dân, do dân vì dân. Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức được tăng cường. Chính phủ có nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động, trong thực hiện cải cách hành chính theo tinh thần phục vụ nhân dân. Hệ thống chính trị được củng cố, phân định rõ hơn trách nhiệm và quyền hạn đảm nhiệm ngày càng toàn diện hơn việc lãnh đạo, quản lý sự phát triển đất nước.
Kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc là dịp chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nhìn lại chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn giá trị những bài học kinh nghiệm được tổng kết từ trong thực tiễn đấu tranh của dân tộc để tiếp thêm sức mạnh, ý chí quyết tâm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không chịu tụt hậu, từng bước tiến kịp thời đại, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, có vị thế xứng đáng trên thế giới. Khát vọng đó của dân tộc, cũng thiêng liêng và mãnh liệt như ý chí giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Đ.T
Tài liệu tham khảo: Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 35 Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc của Ban Tuyên giáo Trung ương
Ý kiến bạn đọc